Chuyên gia thuộc Viện Hòa bình Mỹ nhận định, cuộc tấn công của Mỹ - Anh và đồng minh vào lực lượng Houthi ở Yemen đánh dấu "thời điểm rất nguy hiểm ở Trung Đông".
Mỹ - Anh và các đồng minh đã thực hiện "làn sóng tấn công thứ hai" nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen hôm 13/1 sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra cảnh báo rằng Washington sẵn sàng hành động trở lại nếu nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn tiếp tục tập kích các tàu thuyền ở Biển Đỏ.
Trước đó, hôm 11/1, Tổng thống Biden tuyên bố: "Lực lượng Mỹ, Anh, với sự hỗ trợ từ Australia, Bahrain, Canada và Hà Lan, đã tập kích thành công vào các khu vực Houthi sử dụng ở Yemen. Đây là phản ứng trực tiếp với các đợt tấn công của Houthi nhằm vào tàu hàng trên Biển Đỏ".
Theo ông Biden, hành động của Houthi đe dọa quân nhân, thủy thủ dân sự Mỹ và các đối tác của Washington, cản trở thương mại và tự do đi lại ở khu vực. Tổng thống Mỹ tuyên bố ông sẽ không do dự triển khai thêm biện pháp để bảo vệ con người và dòng chảy thương mại.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 12/1 xác nhận Không quân Hoàng gia Anh đã phối hợp với lực lượng Mỹ.
"Anh sẽ luôn bảo vệ tự do đi lại và tự do thương mại. Do đó, chúng tôi đã hành động hạn chế, cần thiết và phù hợp để tự vệ", ông Sunak nói.
"Chúng tôi đảm bảo rằng chúng tôi cùng các đồng minh sẽ đáp trả Houthi nếu họ tiếp tục hành vi gây hấn này", ông Biden nói với các phóng viên đi cùng ông tới bang Pennsylvania hôm 12/1.
Các cuộc tấn công, được thực hiện với sự hỗ trợ từ nhiều đồng minh khác nhau sau một số cảnh báo từ Mỹ, nhằm đáp trả các cuộc tấn công liên tục của Houthi vào các tàu vận tải thương mại ở Biển Đỏ, gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cho thương mại hàng hải toàn cầu.
Chuyên gia Mona Yacoubian, Phó chủ tịch Trung tâm Trung Đông và Bắc Phi thuộc Viện Hòa bình Mỹ, nói với Yahoo News: "Tôi hy vọng sẽ có những cách khác để ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi vào những mục tiêu ở Biển Đỏ... Chính cuộc tấn công quy mô lớn bởi tên lửa và UAV (của Houthi) vào ngày 9/1 cuối cùng đã khiến Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả trực tiếp bằng cách tấn công các mục tiêu của Houthi ở Yemen".
Vì sao Mỹ - Anh cùng đồng minh tấn công Houthi ở Yemen?
Chuyên gia Yacoubian cho rằng mục đích của cuộc tập kích đường không của Mỹ - Anh và các đồng minh nhằm răn đe và chấm dứt các cuộc tấn công của Houthi vào các mục tiêu ở Biển Đỏ. Tuy nhiên, mục tiêu đó của họ có đạt được hay không lại là một vấn đề khác.
Trả lời câu hỏi tại sao Houthi ở Yemen tấn công nhiều tàu khác nhau trên Biển Đỏ, bà Yacoubian nhận định, nhóm vũ trang này tuyên bố rằng các cuộc tấn công thể hiện sự phản đối của họ đối với Israel và Mỹ, liên quan đến cuộc xung đột ở Gaza. Houthi thực sự đã tìm kiếm cơ hội để lợi dụng cuộc xung đột đó, nhằm chen chân và nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.
"Do các cuộc tấn công của Houthi, chúng tôi nhận thấy các công ty vận tải hiện chọn cách tránh Biển Đỏ và sử dụng tuyến đường dài hơn nhiều khi đi vòng qua vùng sừng châu Phi. Điều này đang tạo ra sự gián đoạn đáng kể cho khách hàng và làm tăng thêm chi phí vận chuyển", chuyên gia nói.
Hậu quả của cuộc tấn công
Ibrahim Jalal - một chuyên gia tại Viện Trung Đông - tin rằng, các cuộc tấn công của Mỹ - Anh và đồng minh sẽ khó ngăn chặn Houthi. Mặc dù Mỹ và Anh kiềm chế để xung đột không lan rộng, nhưng chính quyết định này dường như lại đang khơi mào cho một cuộc xung đột lớn hơn.
Nhà phân tích nói thêm rằng các cuộc tấn công của Mỹ và Anh có thể gây ra một số hậu quả, như gây ra tâm lý sợ hãi trong người dân, vô tình tạo ra cho Houthi thêm một "kẻ thù nước ngoài", qua đó lực lượng này có thể tìm kiếm được sự ủng hộ nhiều hơn ở trong nước khi phản đối can thiệp từ bên ngoài.
Ông Jalal lưu ý, các cuộc tấn công của Houthi cũng có thể được mở rộng nhằm vào những lợi ích của Mỹ trong khu vực, cả vùng Vịnh. "Có nguy cơ cao về các cuộc tấn công đa hướng nhắm vào lợi ích của Mỹ ở Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cũng như các quốc gia có liên quan", ông nói.
Các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu ở Yemen cũng gây ra những tác động bất lợi cho kinh tế bởi ngay sau đó đã khiến giá dầu tăng vọt.
Tobias Borck, chuyên gia về an ninh Trung Đông tại Viện Nghiên cứu các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định rằng tác động lên giá năng lượng cho đến nay vẫn ở mức vừa phải nhưng sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra tiếp theo.
"Chúng ta cần xác định hành động của 2 bên liên quan ở đây. Một là Houthi, cách họ phản ứng, và bên kia tất nhiên là xem cách Iran phản ứng", ông Borck nói. Ông lưu ý mặc dù Tehran có lựa chọn mang tính quyết định - đóng cửa hoàn toàn eo biển Hormuz - nhưng họ khó có thể làm như vậy ở giai đoạn này.
Nguy cơ nổ ra cuộc chiến rộng hơn ở Trung Đông
Chuyên gia Yacoubian nói: "Tôi tin rằng chúng ta đang ở trong một cuộc xung đột toàn khu vực rộng lớn hơn nhiều mà có sự tham gia trực tiếp của Mỹ. Lực lượng Houthi thề sẽ trả thù người Mỹ. Thành thật mà nói, (Houthi) đang ở vị thế mà họ có thể chủ động kiểm soát phần nào tốc độ leo thang".
"Nếu họ thực hiện các cuộc tấn công tiếp theo, điều này một lần nữa sẽ đặt Mỹ vào tình thế khó khăn khi phải tăng cường can thiệp quân sự như một cách để ngăn chặn hành động tấn công của Houthi. Và trước khi bạn kịp nhận ra điều đó, tôi nghĩ chúng ta đang bước vào một chu kỳ leo thang hoàn toàn mới đang gây trở ngại rất lớn cho Mỹ", bà nhận định.
Theo chuyên gia Yacoubian, Iran đã cung cấp hỗ trợ cho nhiều lực lượng ủy nhiệm trong khu vực trong nhiều năm. Hezbollah có lẽ là mối quan hệ phát triển nhất. Một số người gọi Hezbollah như "viên ngọc quý" trong số các lực lượng ủy nhiệm của Iran.
Ngược lại, Houthi là một mối quan hệ mới hơn, nhưng đang chứng tỏ sức mạnh. Rõ ràng, theo các nguồn tin của chính quyền Tổng thống Biden, người Iran đã hỗ trợ Houthi thực hiện các cuộc tấn công ở Biển Đỏ.
"Theo một cách nào đó, cho đến nay, Iran đã được hưởng lợi từ các lực lượng ủy nhiệm, như Houthi, thực hiện các cuộc tấn công chống lại Mỹ và các mục tiêu khác, bằng cách đặt ra những câu hỏi hóc búa và các vấn đề cho Mỹ, nhưng không lôi kéo được sự phản ứng trực tiếp của Mỹ đối với Iran, điều mà tôi nghĩ sẽ là thảm họa đối với khu vực. Khi đó chúng ta sẽ rơi vào một cuộc chiến tranh toàn khu vực và ở một nơi rất nguy hiểm", bà nhận định.
Chuyên gia Yacoubian cho rằng: "Chúng ta đang ở thời điểm rất nguy hiểm ở Trung Đông. Thật không may, tôi cho rằng căng thẳng gia tăng tại điểm nóng này ở Biển Đỏ hiện đã đẩy khu vực vào một nguy cơ cuộc xung đột rộng lớn hơn mà nhiều người lo sợ có thể xảy ra".
"Tôi nghĩ câu hỏi lớn vào thời điểm này là làm thế nào để chuyển từ tình trạng căng thẳng và bạo lực leo thang sang tình trạng mà Mỹ có thể khôi phục khả năng răn đe và giảm bớt những căng thẳng rất, rất nguy hiểm trước khi các nước khác có thể tham gia cuộc chiến", bà cảnh báo.
ConversionConversion EmoticonEmoticon