Đọc cuốn sách Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta càng nhận thức rõ tư duy, đường lối chiến lược của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời cũng nhận thấy rõ những công việc mà mỗi cán bộ, đảng viên phải làm để góp phần gánh vác nhiệm vụ quan trọng này.
Trong cuốn sách, Tổng Bí thư luôn khẳng định: Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam.
Với vai trò lãnh đạo, ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đến nay, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, mở rộng và phát huy, trở thành một phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, giành được những thành tựu to lớn, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò, nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã đoàn kết, tập hợp lực lượng và xây dựng khối đoàn kết toàn dân không chỉ bằng công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức, mà còn thông qua nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, nhiều cuộc vận động thiết thực, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, hướng đến thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, như Tổng Bí thư nhận định, thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường hơn so với dự báo; thời cơ, thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức. Xu hướng đa cực, đa trung tâm, cạnh tranh, mâu thuẫn, bất đồng, xung đột tại một số khu vực tác động đến cục diện quốc tế, trong đó có Việt Nam. Do vậy, việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đặt ra yêu cầu phải đổi mới tư duy, phương thức vận động, quy tụ, tập hợp các lực lượng. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng phải đổi mới phương thức hoạt động, hướng về nhân dân, thật sự đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần “hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư”, đi sâu, đi sát vào các tầng lớp nhân dân, tìm hiểu nhu cầu của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia giám sát và phản biện xã hội. Chỉ có nắm được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân mới có thể đại diện và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp và bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận. Làm tốt phong trào “dân vận khéo”, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mặt trận vừa củng cố, tập hợp các thành viên nòng cốt, vừa mở rộng, thu hút ngày càng đông đảo các tổ chức xã hội. Cần đổi mới phương thức vận động, tập hợp của tổ chức mặt trận theo hướng phong phú, thiết thực, sinh động, trở thành diễn đàn nhân dân, nơi các tầng lớp nhân dân thuộc các giới, giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài… gặp gỡ, trao đổi thông tin, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng, đối thoại dân chủ, cởi mở. Làm tốt công tác dân vận, đồng thời đổi mới hoạt động, tăng cường tính thiết thực, hiệu quả của tổ chức mặt trận sẽ thu hút nhiều hơn sự tham gia của các tổ chức xã hội, các cá nhân tiêu biểu ở trong và ngoài nước.
Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư thông qua cuốn sách. Đặc biệt là đổi mới tư duy, cách làm, cách nghĩ trong phương pháp vận động, quy tụ quần chúng nhân dân, coi người dân là trung tâm, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết đóng góp vào công cuộc cách mạng mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò, nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã đoàn kết, tập hợp lực lượng và xây dựng khối đoàn kết toàn dân không chỉ bằng công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức, mà còn thông qua nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, nhiều cuộc vận động thiết thực, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, hướng đến thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. |
Nguyễn Thị Hằng (Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hòa, Hưng Hà, Thái Bình)
Theo Báo Nhân dân
ConversionConversion EmoticonEmoticon