Những ngày đầu năm 2024, vẫn theo thông lệ đánh giá tình hình nhân quyền năm cũ và “hướng tới năm mới”, một số tổ chức quốc tế danh xưng theo dõi nhân quyền, tự do dân chủ, báo chí… lại đưa ra các báo cáo, phán xét rồi tung lên mạng internet. Mốc thời gian thì thay đổi, tên nhân vật cũng có những trường hợp bổ sung mới, còn lại ngôn từ, thủ đoạn chống phá ẩn sau các chữ báo cáo, đánh giá, kiến nghị… thì không có gì khác.
Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) hôm 11/1 đưa bài viết vu cáo rằng, Chính phủ Việt Nam trong năm 2023 “đã đàn áp rộng rãi các quyền dân sự và chính trị căn bản, đồng thời trừng phạt nghiêm khắc những người thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam”. HRW viết “2023 là năm u ám về nhân quyền tại Việt Nam”, dùng những lời lẽ phê phán, chỉ trích Đảng, Nhà nước Việt Nam và đưa ra dẫn chứng kiểu “bổn cũ soạn lại”, vẫn là những đối tượng bị cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam bắt, truy tố, xét xử về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ. Đài RFA tung bài viết “Ba tổ chức phi chính phủ đề nghị Liên hợp quốc chất vấn Việt Nam về vi phạm tự do internet”, trong đó chiêu trò vẫn chỉ là sự tung hứng nhằm làm nóng vấn đề nhân quyền, tự do intenet ở Việt Nam, lấy cớ để can thiệp, gây sức ép.
Đây chỉ là sự tiếp diễn các thủ đoạn chống phá Việt Nam dưới danh nghĩa “báo cáo, kiến nghị, rà soát…” của các tổ chức thù địch, phản động. Cuối năm 2023, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) – một trong những tổ chức phi chính phủ luôn có cách nhìn thù địch, sai trái đối với Việt Nam đã đưa ra phán xét mang tính quy chụp, vu cáo khi cho rằng “Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới”! RSF dùng những lời có cánh công khai bênh vực cho những đối tượng lấy danh nghĩa báo chí để thực hiện các hành vi phạm tội, đã bị xử lý hình sự như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng… RSF gắn cho họ cái mác “nhà báo độc lập” để qua đó chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam, tìm cách hạ uy tín và kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việc RSF lấy mục đích bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực, giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ để kêu gọi tự do cho các đối tượng chống đối, phạm tội hình sự là một hành động sai trái và thể hiện sự thiếu tôn trọng tới tính nghiêm minh của pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Tháng 12/2023, trong dịp kỷ niệm ngày Nhân quyền quốc tế, tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) cũng ra “kêu gọi”, đòi Việt Nam “cải tổ gấp quyền con người trước kỳ kiểm định phổ quát sắp đến”. Mặc dù mang cái tên rất mỹ miều là “Giám sát nhân quyền” nhưng mọi hoạt động của tổ chức này đều thể hiện rõ mưu đồ và động cơ chính trị sai trái, thấp hèn. Dù không có mặt ở Việt Nam, không khảo sát thực tiễn, không có những tài liệu chính thống, không hiểu được tình hình nhân quyền ở nước ta nhưng HRW lại luôn tự cho mình quyền phán xét về nhân quyền Việt Nam, kêu gọi Việt Nam “cần khẩn cấp cải tổ quyền con người”. Các thông tin mà HRW có được thực chất từ một vài tổ chức, cá nhân bất mãn, cơ hội chính trị cung cấp. Điều này cho thấy rõ âm mưu, thủ đoạn bôi nhọ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam của HRW. Lần này, HRW lại viết “2023 là năm u ám về nhân quyền tại Việt Nam”! Thực là, khi cái nhìn của họ u ám thì làm sao có thể nhìn thấy được tình hình xung quanh, huống gì ở góc độ nhân quyền vốn đòi hỏi người nhìn phải có tấm lòng ngay thẳng, phải có được chữ “nhân”!
HRW cũng luôn giở trò trao giải thưởng nhân quyền cho các đối tượng có hoạt động chống phá Việt Nam. Đều đặn hằng năm, mạng lưới này tiến hành xét họp, bình chọn, công bố “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam” để “tuyên dương thành tích tranh đấu bất bạo động cho lý tưởng nhân quyền tại Việt Nam”. Đối tượng nào có “thành tích” chống phá đất nước càng nhiều thì tỷ lệ được trao giải thưởng càng cao. Bởi thế, các đối tượng Trần Văn Bang, Y Wô Niê, Lê Trọng Hùng – những kẻ đang phải chấp hành án phạt tù về các hoạt động chống phá đất nước được tổ chức này “vinh danh”, tán dương. Tương tự, cùng với tổ chức ngoại vi của mình là VHRN, tổ chức phản động Việt Tân cũng tiến hành trao giải thưởng nhân quyền với tên gọi “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” để ca ngợi, cổ súy cho các hoạt động chống phá Việt Nam. Năm nay Việt Tân đã tổ chức bình chọn, trao giải và xướng tên đối tượng Trương Văn Dũng.
Điểm chung của trò lố “Giải thưởng nhân quyền” là các đối tượng được các tổ chức này trao giải đều có các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc nhằm gây hoang mang trong nhân dân, thể hiện thái độ thù ghét, bất mãn đối với Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đằng sau trò lố đó là tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ, đồng thời để cho các đối tượng trong nước bấu víu, tiếp tục tiến hành các hoạt động phá hoại.
Trong khi đó, bức tranh nhân quyền và tiếng nói, vị thế của Việt Nam được thế giới khẳng định, ghi nhận. Tại buổi tiếp báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển Surya Deva (nhân chuyến thăm làm việc tại Việt Nam từ 6-15/11/2023), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chia sẻ cách tiếp cận của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; khẳng định Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể và động lực của quá trình phát triển. Hiện nay, Việt Nam đang đặt ưu tiên cao cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, với nhiều nỗ lực trong giảm nghèo đa chiều, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hướng tới thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ông Deva đánh giá cao các dấu ấn, sáng kiến của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và sự tham gia trách nhiệm, tích cực trong Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR). Chia sẻ thông tin về các ưu tiên trong nhiệm kỳ công tác, ông Deva khẳng định sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận tổng thể, cân bằng, minh bạch, thúc đẩy hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng, triển khai và giám sát chính sách phát triển.
Ngày 4/12/1986, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/41/128 Tuyên bố về quyền phát triển, trong đó khẳng định: “Quyền phát triển là một quyền con người không thể chia cắt. Xuất phát từ ý nghĩa của quyền đó, mọi người và mọi dân tộc đều có quyền được tham gia vào, đóng góp cho và hưởng thụ thành quả từ sự phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị, trong đó mọi quyền con người và các tự do cơ bản cần phải được thực hiện một cách đầy đủ”. Tại Nghị quyết 33/14 (2016) của Hội đồng Nhân quyền thành lập cơ chế báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển, báo cáo viên đặc biệt được yêu cầu phải “đóng góp vào sự bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện quyền phát triển trong bối cảnh thực hiện một cách đồng bộ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các văn kiện quốc tế khác”.
Trong hai ngày 11 và 12/12/2023, sự kiện cấp cao kỷ niệm 75 năm thông qua Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền đã diễn ra thành công tại trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva với nhiều hoạt động, nội dung thảo luận quan trọng và cam kết mạnh mẽ. Đoàn Việt Nam do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai (Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva) dẫn đầu đã tích cực tham dự sự kiện cấp cao này. Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tái khẳng định các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam thúc đẩy Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền với nhiều nỗ lực và hành động hơn nữa để đảm bảo tốt hơn các quyền con người cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong đó có các ưu tiên trọng tâm gồm tăng cường Nhà nước pháp quyền với việc tiếp tục cải cách tư pháp nhằm nâng cao nền tảng thể chế, tư pháp và chính sách liên quan đến nhân quyền, đồng thời chuyển các quy định của các điều ước quốc tế về nhân quyền vào luật pháp quốc gia. Việt Nam cam kết thúc đẩy các biện pháp hiệu quả và phân bổ đủ nguồn lực để bảo đảm tốt hơn nữa các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị; tham gia có trách nhiệm vào công việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và phát huy vai trò cũng như hiệu quả của hội đồng, đặc biệt quan tâm đến quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tổ chức ngày 4/12/2023), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết có 4 quan điểm được Đảng, Nhà nước ta tiếp cận đầy đủ, toàn diện, hệ thống, trong đó khẳng định vị trí, vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc. Về phương thức để phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết, trong Nghị quyết số 43-NQ/TW nêu rõ: “Đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ XHCN, tôn trọng bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao cuộc sống của nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển”.
Thành tựu về nhân quyền là hiện thực khách quan, điều đó được Liên hợp quốc và các nước công nhận. Vậy mà những tổ chức xưng theo dõi nhân quyền hay tự do báo chí như HRW, RSF… lại không nhìn ra, ấy là bởi động cơ sai trái thì làm sao thấy hiện thực khách quan!
Nguồn: https://huongsenviet.com
ConversionConversion EmoticonEmoticon