“Đất nước “yên bình, hạnh phúc” mà sao dòng người Việt cứ tìm đủ mọi cách ra đi”, “Người dân Việt Nam vẫn ồ ạt sang nước ngoài để bán sức lao động. Đây là một điều đáng buồn cho đất nước khi dân phải bỏ xứ ra đi”… là những thông tin “bẻ lái” đang được các đối tượng “dân chủ” tung ra để nói về vấn đề xuất khẩu lao động. Đúng như cha ông ta đã đúc kết “lưỡi không xương trăm đường lắt léo, miệng không vành méo mó tứ phương”. Xuất khẩu lao động là một vấn đề hoàn toàn bình thường nhưng qua lăng kính nhìn nhận của các “con buôn dân chủ” thì trở thành một vấn đề bất thường.
Xuất khẩu lao động là một hoạt động kinh tế dưới hình thức cung ứng lao động ra nước ngoài, phục vụ nhu cầu nhân công lao động của doanh nghiệp nước ngoài. Nói cách khác, đây là hoạt động chuyển dịch lao động từ nơi có nguồn dồi dào nhưng nhu cầu việc làm còn hạn chế đến nơi có ít lao động và nhu cầu việc làm nhiều. Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, không chỉ riêng Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, việc xuất khẩu lao động đã trở thành một chính sách quan trọng. Cách đây 10 năm, tại Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 103 điễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ), cộng đồng quốc tế đã tập trung bàn luận về “Di cư công bằng” nhằm tìm giải pháp phù hợp để đưa vấn đề di cư lao động vào Chương trình nghị sự của Tổ chức Lao động quốc tế. Rõ ràng, với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề di cư lao động giữa các quốc gia đã trở thành tất yếu khách quan.
Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, chúng ta đã đạt những kết quả vô cùng quan trọng. Theo đó, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương, đất nước cũng như quảng bá hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế. Nối tiếp những kết quả tích cực đã đạt được và khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh, ngày 12-12-2022, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải gắn với định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cũng như quan hệ đối ngoại của đất nước. Và trên hết, bảo đảm lợi ích hợp pháp của người lao động luôn là ưu tiên hàng đầu.
Theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, điều kiện để người lao động có thể đi làm việc tại nước ngoài là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài; đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động; đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động; không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Người lao động được tự do lựa chọn hình thức làm việc phù hợp, không bị ép buộc phải làm việc trái ý muốn. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng luôn quan tâm chăm lo, bảo hộ công dân đối với lao động Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Xuất khẩu lao động vừa góp phần giải quyết việc làm vừa tạo ra nguồn thu nhập lớn hơn cho người lao động. Thực tế, nhờ xuất khẩu lao động, nhiều vùng quê nghèo khó đã “thay da, đổi thịt”, trở nên sầm uất, giàu có.
Xuất khẩu lao động không phải là “tha phương cầu thực”. Thực tế, bên cạnh thu nhập cao, người lao động còn có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Sau một thời gian đi làm việc ở nước ngoài, nhiều người lao động đã tích lũy được vốn để về nước làm ăn, kinh doanh; một số người lao động khác rèn luyện được kỹ năng, tay nghề cao, khi về nước đã trở thành chuyên gia, thợ lành nghề và được nhiều doanh nghiệp mời làm việc với thu nhập không hề thấp. Và cũng phải nói thêm rằng, không giống như một số kẻ dính phải “bùa dân chủ”, thích bám chân các thế lực xấu, những người con Việt Nam chân chính dù ở nơi nào trên thế giới cũng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, một lòng hướng về quê hương, đất nước. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, kiếm tiền một cách chân chính bằng chính bàn tay, khối óc của mình để xây dựng gia đình, quê hương, đất nước thì đâu có gì phải xấu hổ thưa các “nhà dân chủ”?
Cùng với việc đưa công dân ra nước ngoài lao động, Việt Nam cũng trở thành điểm đến được nhiều người lao động nước ngoài lựa chọn. Tự do lao động là một quyền quan trọng của mỗi người. Theo đó, người lao động có quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp. Những giọng điệu phỉ báng đất nước, xuyên tạc vấn đề xuất khẩu lao động suy cho cùng cũng chỉ là một chiêu trò hèn hạ để công kích, chống phá đất nước.
Anh Tú (BPO)
ConversionConversion EmoticonEmoticon