Tại hội thảo về tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông do Bộ Công an và Bộ Y tế tổ chức mới đây, đại diện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề xuất phương án xử lý hình sự người vi phạm nồng độ cồn trên mức kịch khung để tăng tính răn đe.
Theo vị này, pháp luật hiện quy định những người có nồng độ cồn ở mức trên 0,4mg/lít khí thở, dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt, dẫn đến người uống 5 cốc bia hay 30 cốc bia rồi lái xe ôtô đều có thể bị xử phạt như nhau (phạt 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng). Từ đó, vị này đề xuất cần nghiên cứu tách từng vi phạm cụ thể để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, kể cả chưa gây hậu quả.
Đề xuất này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một số người đồng tình nhưng cũng có rất nhiều ý kiến phản đối. Những người không đồng thuận cho rằng giải pháp này thể hiện tư tưởng quá thiên về trừng phạt của cơ quan quản lý, khiến pháp luật có thể bị biến thành "con ngáo ộp", khiến người ta e sợ nhưng không phục.
Theo dõi các ý kiến đại diện cho hai luồng quan điểm, tôi thấy cả hai phía đều… có lý. Và vấn đề mấu chốt gây tranh luận lại nằm ở đặc điểm của tổ chức hệ thống tòa án, các cơ quan tư pháp, cơ quan "tài phán" của nước ta có một số điểm khác biệt so với các quốc gia khác mà đôi khi phát sinh bất cập.
Cụ thể, ở nước ta, việc xử lý, áp dụng chế tài cho các hành vi vi phạm pháp luật được chia thành 3 nhóm: Nhóm 1: Chế tài hình sự (thực hiện theo Bộ luật tố tụng hình sự); Nhóm 2: Chế tài hành chính (theo Luật xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực); Nhóm 3: Chế tài dân sự (theo pháp luật dân sự), gồm các hình thức phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại (theo hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng).
Trong 3 loại chế tài trên thì chế tài dân sự khác biệt so với chế tài hình sự và hành chính vì nó dựa trên mối quan hệ dân sự giữa các chủ thể như: các chủ thể tự giao kết, thỏa thuận, tạo ra các quan hệ bình đẳng về địa vị pháp lý, nếu có vi phạm thì các chủ thể tự bảo vệ quyền dân sự, yêu cầu đối phương thực hiện nghĩa vụ. Nếu không thương lượng, thỏa thuận được thì chủ thể có thể yêu cầu tòa án can thiệp theo thủ tục tố tụng dân sự, hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước can thiệp (ví dụ UBND các cấp), hoặc tùy từng trường hợp còn có hình thức trọng tài…
Trong khi đó, giữa chế tài hình sự và chế tài hành chính lại có một số điểm tương đồng, dẫn đến trường hợp trở nên "chấp chới" giữa hành chính và hình sự. Chẳng hạn tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao, nguy cơ lớn gây mất an toàn giao thông đối với cộng đồng, thì chỉ nên phạt tiền hay xử lý hình sự?
Về nguyên tắc, chỉ những hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức độ cao mới xử lý hình sự, còn hành vi tuy gây nguy hiểm cho xã hội nhưng ở mức độ thấp thì sẽ xem xét phạt hành chính. Nguyên tắc này thể hiện tính nhân văn của pháp luật và được nêu rõ tại Điều 8 Bộ luật hình sự: "Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác".
Trên nguyên tắc đó, hệ thống cơ quan "tài phán" của ta đối với hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức được chia rõ ràng, tách bạch thành "tài phán" hình sự (thực hiện bởi hệ thống cơ quan tố tụng gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) và "tài phán" hành chính (chủ yếu do các cơ quan hành chính gồm UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn trực thuộc… thực hiện).
Theo nguyên tắc nhân đạo, một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần, được ghi nhận rõ tại Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính, và trở thành một tuyên ngôn tại Điều 31 Hiến pháp 2013: "Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm". Một hành vi đã xử lý hành chính thì sẽ thôi xử lý hình sự và ngược lại.
Bởi vậy, Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định về việc trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan liên quan để truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý nhưng sau đó dừng truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cũng có thể được chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử lý tiếp.
Như đã nêu trên, hệ thống cơ quan "tài phán" của ta đối với hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức được chia rõ ràng, tách bạch thành "tài phán" hình sự và "tài phán" hành chính. Điều này dẫn đến một số trường hợp những vi phạm gần tương đồng nhưng có thể "số phận pháp lý" khác hẳn nhau. Ví dụ, cùng là hành vi đánh bạc song với số tiền 5,1 triệu đồng và 4,9 triệu đồng sẽ có hậu quả hoàn toàn khác. Người dân đặc biệt e ngại chế tài hình sự (do bị bỏ tù, dẫn đến án tích, lý lịch có "tiền án, tiền sự"). Ngược lại, một bộ phận có xu hướng xem nhẹ chế tài hành chính do chỉ bị "mất tiền".
Quay về với đề xuất "xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng ngay cả khi chưa gây hậu quả", việc tách bạch chế tài hình sự (bỏ tù) và hành chính (phạt tiền) như hiện nay sẽ phát sinh bất cập với những hành vi nếu bỏ tù thì quá nặng, còn phạt tiền lại quá nhẹ, không đủ răn đe. Chẳng hạn nếu một người uống 30 cốc bia rồi lái xe ôtô chạy "điên cuồng" trên xa lộ như ví dụ của vị đại diện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, kể cả nếu chưa gây ra hậu quả thì rõ ràng là không thể chỉ phải chịu phạt tiền. Việc chỉ xử lý hành chính trường hợp này dễ dẫn đến "nhờn luật", tiềm ẩn hậu quả khôn lường. Nhưng nếu áp dụng chế tài bỏ tù khi chưa có hậu quả thực tế cũng chưa thực sự thuyết phục.
Để giải quyết mâu thuẫn này, một giải pháp có thể tính đến là đổi mới hệ thống tố tụng, tòa án. Chẳng hạn, có thể tham khảo mô hình tổ chức tòa án của một số quốc gia, thành lập các Tòa vi cảnh, đưa ra chế tài có mức độ "ở giữa hành chính và hình sự" để vừa đảm bảo tính răn đe, thượng tôn pháp luật, vừa khiến người dân tuân phục.
Chẳng hạn, tại Pháp duy trì "Tòa vi cảnh" để xét xử các vụ hình sự nhỏ, bên cạnh các Tòa đại hình và Tòa tiểu hình chuyên xét xử các tội phạm nặng hơn. Bộ luật hình sự của Pháp phân chia tội phạm làm 3 loại: Contravention (tội vi cảnh, ví dụ: lái xe quá tốc độ chưa gây hậu quả, lái xe không có giấy phép, lái xe sử dụng rượu, bia...); delit (tội phạm thường); crime (tội nghiêm trọng, như: giết người).
Tương ứng mỗi loại tội phạm sẽ được xét xử ở một loại tòa án khác nhau. Chẳng hạn, Tòa vi cảnh chuyên xét xử các tội vi cảnh và có thể áp dụng hình phạt tù từ 1 ngày đến 2 tháng, phạt tiền đến 3.000 euro.
Hay như ở Anh, ngôi sao bóng đá Wayne Rooney từng phải chịu án phạt 100 giờ lao động công ích và bị treo giấy phép lái xe 2 năm do lái xe trong tình trạng nồng độ cồn cao gấp 3 lần cho phép. Hình ảnh một triệu phú, ngôi sao bóng đá mặc đồ bảo hộ thất thểu đi cắt cỏ, tỉa cây trong 2 ngày tại vườn hoa công cộng, trước ống kính của phóng viên và những người hiếu kỳ chắc chắn có tác động đến ý thức của anh khi lái xe trong tương lai. Hình phạt này rõ ràng có tính răn đe và giáo dục hơn hẳn việc chỉ đơn giản là nộp phạt bằng tiền (thứ Wayne Rooney không hề thiếu).
Những bản án tính bằng giờ lao động công ích sẽ có tính răn đe cao hơn, đánh trúng vào sự xấu hổ của người thực hiện hành vi nguy hiểm mà chưa đến mức cấu thành tội phạm. Bản án ấy vừa có tính uy quyền, vừa đủ khoan hồng để không tách người vi phạm khỏi cộng đồng.
Đây là một gợi ý có thể xem xét trong đổi mới hệ thống tòa án và các cơ quan tố tụng ở nước ta. Việc thành lập các Tòa vi cảnh, cho phép áp dụng các chế tài như lao động công ích đồng thời với phạt tiền có thể là giải pháp tốt để ngăn chặn các hành vi nguy hiểm, điển hình trường hợp các "ma men" lái xe trong tình trạng nồng độ cồn trên mức kịch khung nhưng chưa gây hậu quả.
Tác giả: Nguyễn Văn Đỉnh là kỹ sư, thạc sĩ xây dựng, cử nhân luật, từng có nhiều năm công tác tại Bộ Xây dựng và hiện là chuyên gia tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ông Đỉnh đã và đang tham gia đóng góp xây dựng các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản...
Theo: Dân Trí
ConversionConversion EmoticonEmoticon