Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Thành phố Hồ Chí Minh xác định định hướng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học-công nghệ, coi đây là động lực cho sự tăng trưởng bền vững. Do đó, thành phố đã ban hành nhiều chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ trí thức khoa học, người có tài năng đặc biệt.
Những chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà khoa học trong thời gian qua là nền tảng trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Thu hút nhà khoa học bằng cơ chế đặc thù
Để khoa học-công nghệ phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và 13 đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng hoạt động khoa học-công nghệ, tạo điều kiện hoạt động nghiên cứu, phát triển và sáng tạo cho đội ngũ khoa học. Thành phố cũng khuyến khích xã hội đầu tư phát triển mạng lưới với hơn 480 tổ chức khoa học-công nghệ và 134 phòng thí nghiệm.
Về đầu tư cho con người, thành phố triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; Đề án số 01-ĐA/TU ngày 5/2/2020 về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035; các chương trình hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao chuyên môn chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như bán dẫn, phân tích kiểm nghiệm, trong quản trị tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo; qua đó, hàng nghìn lượt trí thức đã tiếp cận và thụ hưởng các chính sách.
Ngoài ra, thành phố triển khai chương trình vườn ươm sáng tạo khoa học-công nghệ trẻ nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Chỉ tính giai đoạn 2019-2022, thành phố đã hỗ trợ thực hiện 133 đề tài khoa học với hơn 1.260 trí thức trẻ, sinh viên tham gia thực hiện; kết quả rất đáng khích lệ với 133 bài báo khoa học (trong đó có hơn 100 bài báo đăng trên các tạp chí. Thành phố cũng thực hiện thí điểm các chính sách hỗ trợ thu nhập để thu hút chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
Mới nhất, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông qua Nghị quyết về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút; theo đó, địa phương này áp dụng mức hỗ trợ thu nhập ban đầu tối đa 100 triệu đồng đối với chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt được thu hút khi ký hợp đồng đầu tiên.
Mức thu nhập hằng tháng của chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt được ký kết hợp đồng lao động và được hưởng mức thu nhập từ 30 triệu-100 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, thành phố cũng chi khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ, phát triển công nghệ.
Mức thu nhập khuyến khích cho cá nhân được hưởng là 5% kinh phí ngân sách thành phố chi cho công trình, sản phẩm khoa học, nhưng không thấp hơn 50 triệu đồng và không vượt quá 1 tỷ đồng. Đối với các đề tài, đề án, công trình thực hiện theo nhóm, tổng mức thu nhập khuyến khích là 5%, không thấp hơn 30 triệu đồng/người/công trình và tổng mức khuyến khích dành cho cả nhóm không quá 2 tỷ đồng…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Những chính sách nêu trên đã góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trưởng thành về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố.
Tuy nhiên, thực tế vẫn bộc lộ một số hạn chế trong chính sách, cơ chế, mô hình, giải pháp do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, dẫn đến việc chưa phát huy hết tiềm lực của đội ngũ trí thức, trong đó, có thể kể đến việc đầu tư cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu chưa đáp ứng môi trường làm việc của đội ngũ trí thức; chính sách đầu tư cho con người chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cơ chế tài chính, quản lý nhà nước về hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ theo quy định của pháp luật còn nhiều bất cập… dẫn đến những hạn chế cho sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát huy sức sáng tạo cần có các giải pháp đồng bộ; trong đó, cần tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học-công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống; đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại và các phòng thí nghiệm thực hành; các viện nghiên cứu, trường đại học tư nhân cần được hưởng các chính sách ưu đãi tối đa, khuyến khích và tạo điều kiện về thể chế để phát triển…
Để thúc đẩy khoa học-công nghệ phát triển, theo Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện các chính sách đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và triển khai các nhóm giải pháp, chính sách về sắp xếp lại các tổ chức khoa học-công nghệ công lập; đưa vào hoạt động Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh, xem đây là cầu nối giữa trường, viện và doanh nghiệp trong thực hiện hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Thành phố cũng đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại cho các tổ chức khoa học-công nghệ công lập; hỗ trợ hình thành mạng lưới các trung tâm chuyển giao công nghệ, các vườn ươm sáng tạo trong các trường đại học, đầu tư các phòng thí nghiệm tại trường đại học theo mô hình liên kết với Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo thành phố.
Ngoài ra, thành phố sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc tại các trường đại học, tổ chức khoa học-công nghệ thông qua chương trình khoa học-công nghệ, dự án khoa học-công nghệ trung hạn theo đặt hàng của thành phố; ưu tiên đặt hàng nhiệm vụ khoa học-công nghệ có hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực quốc tế trong hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Duy Khánh (Nhandan.vn)
ConversionConversion EmoticonEmoticon