Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (Quy định 144) của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Có thể thấy, Quy định này tiếp tục khẳng định quan điểm lâu nay của Đảng về đạo đức cách mạng. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên được yêu cầu phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân.
Cùng với đó là các yêu cầu về phẩm chất cá nhân điển hình như: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, tình thương và trách nhiệm; Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng, học tập và rèn luyện suốt đời… Tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực nêu trên, cá nhân sẽ trở thành tấm gương cho người khác noi theo, và được coi là người có đạo đức.
Một điểm đáng chú ý trong Quy định 144 là Điều 2 đã đề ra bốn nhóm tiêu chí về "Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, và hội nhập". Trong các văn bản, quy định trước đây, khái niệm "bản lĩnh" được sử dụng khá phổ biến, các chiều cạnh liên quan đến "bản lĩnh" như: đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, trung thực, thẳng thắn…cũng đã được Đảng đề cập đến. Tuy nhiên, có thể nói, Quy định 144 đã định hình rõ hơn ý niệm và các chiều cạnh về "bản lĩnh" của cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay.
Trước đây, ý niệm về "bản lĩnh" thường được nhiều người hiểu theo nghĩa gắn với ý thức, quan điểm chính trị, cho nên thường gọi là "bản lĩnh chính trị". Một đảng viên có bản lĩnh chính trị thường được hiểu là người sẽ luôn kiên định, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chấp hành và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, cũng như các nguyên tắc, quy định của tổ chức.
Theo Quy định 144, các chiều cạnh liên quan đến khái niệm "bản lĩnh" được mở rộng hơn. Bên cạnh sự kiên định về quan điểm, tư tưởng chính trị, đảng viên "bản lĩnh" cũng phải là những người có "tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến". Họ phải có tinh thần cởi mở, ham học hỏi để có thể đủ năng lực làm việc trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, thế giới ngày càng trở nên gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau.
Quy định 144 nêu rõ "sáu dám" cũng là một chiều cạnh để đánh giá đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Sáu dám đó là "Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân".
Từ góc nhìn của một người làm công tác nghiên cứu khoa học, thiết nghĩ, khi cấp có thẩm quyền coi trọng và khuyến khích "sáu dám" tức là đã nhận ra hiện nay đang có tình trạng "không dám", cần phải đẩy lui. Trên thực tế, bệnh "nói nhưng không làm", "sợ trách nhiệm", "ngại thay đổi", "lạm dụng quyền lực để mưu lợi vị kỷ"… cũng là những vấn đề được đề cập lâu nay trên nhiều diễn đàn và văn bản chính thức.
Để "dám nghĩ" thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải có khả năng tư duy độc lập, không thụ động, không tuân theo những nếp nghĩ, thói quen đã trở thành lối mòn. Cùng với dám nghĩ thì mỗi người phải dám nói, tức là phải tự tin để nêu ra ý kiến, chính kiến của bản thân mình trước vấn đề nào đó. Dám nghĩ, dám nói rồi thì phải dám làm, tức là dám hành động, chứ không phải nói rồi để đấy, hay nói một đằng nhưng làm một nẻo.
Khi đã dám nói, dám nghĩ, dám hành động thì cán bộ, đảng viên cũng phải dám chịu trách nhiệm về phát ngôn và hành động của mình. Có nghĩa là, mỗi người phải luôn ý thức rõ về trách nhiệm và bổn phận gắn với vị trí, thẩm quyền của mình theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Sự nhất quán giữa lời nói, hành động, và trách nhiệm sẽ góp phần tạo nên đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Hai "dám" cuối cùng trong Quy định 144 khuyến khích tinh thần dấn thân và phụng sự, sẵn sàng tư duy và hành động đột phá trước những bài toán khó, những vấn đề nan giải. Đặt trong bối cảnh hiện nay, có thể nói tinh thần dám đổi mới, sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân là rất cần thiết để thúc đẩy công việc.
Như vậy, theo Quy định 144, một cán bộ, đảng viên sẽ được coi là người có bản lĩnh nếu họ kiên định về tư tưởng và quan điểm chính trị, thực hiện nghiêm túc và nhất quán các chủ trương, đường lối của Đảng, và có khả năng tư duy độc lập, tự tin nêu chính kiến, cởi mở và có ý thức học hỏi, ý chí vươn lên, dám hành động và sẵn sàng chịu trách nhiệm về phát ngôn và hành động của mình, dám đương đầu với những vấn đề nan giải và luôn tìm tòi, sáng tạo để tìm cách giải quyết các thách thức nan giải vì lợi ích chung.
Đặc biệt, khi "sáu dám" được xác định là một phẩm chất đạo đức đã cho thấy kỳ vọng của Đảng về những cán bộ, đảng viên "dám" có tư duy mới và hành động quyết liệt để tạo ra những thay đổi có tính đột phá, thúc đẩy tiến trình phát triển đất nước. Khi cán bộ, đảng viên dám tư duy và dám hành động vì lợi ích chung thì chắc chắn họ là những con người có đạo đức cách mạng.
Hiện nay, các cấp có thẩm quyền đang khẩn trương chuẩn bị ban hành Chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Vì thế, Quy định 144 sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh trước mắt cũng như lâu dài.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Quy định 144 chính là yêu cầu của Đảng với mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, về ý thức giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn thì mỗi cán bộ, đảng viên càng phải tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
ConversionConversion EmoticonEmoticon