Ngày 13-3-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Đây là bước chuẩn bị quan trọng tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV, dự kiến diễn ra vào quý 1/2026. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã nhanh chóng đăng đàn xuyên tạc, tung ra nhiều luận điệu độc hại, sai trái.
Công tác nhân sự của Đảng luôn là trọng điểm được các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị tập trung chống phá. Thực tế, trước mỗi kỳ đại hội Đảng, giới “dân chủ” đều triển khai những “kế hoạch truyền thông” vô cùng bài bản để hướng lái dư luận, kích động sự hoài nghi về vấn đề nhân sự nhằm làm suy giảm uy tín của Đảng. Trong khi Đảng ta đang tập trung rà soát, thực hiện một cách cẩn trọng vấn đề lựa chọn nhân sự thì các đối tượng xấu lại thêu dệt ra vô số thông tin phản động, độc hại. Chúng rêu rao rằng: “Đảng lại tiếp tục chơi “trò chơi quyền lực”, mua bán chức quyền”, “một cuộc sắp xếp nhân sự chuẩn bị được diễn ra”, “công tác nhân sự của Đảng được thực hiện thiếu dân chủ”… Đặc biệt, lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên cấp cao vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt tạm giam hoặc đã bị kết án do vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, các đối tượng xấu trắng trợn quy chụp cho rằng: “Đảng hoàn toàn thất bại trong công tác nhân sự”, “Đảng không thực lòng lựa chọn nhân sự tài năng mà chỉ cất nhắc cán bộ theo phe cánh”, “Đảng Cộng sản không thể lựa chọn được cán bộ ưu tú vì trong Đảng chỉ toàn người tham nhũng, tiêu cực”…
Công tác nhân sự luôn được Đảng ta xác định là khâu “then chốt của then chốt” trong xây dựng Đảng. Hơn ai hết, Đảng ta nhận thức rõ cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; nếu chúng ta không lựa chọn được đội ngũ cán bộ thực sự có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và thực sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân thì cái giá mà Đảng ta phải trả chính là sự sụp đổ của chế độ. Bởi vậy, công tác nhân sự trước mỗi kỳ đại hội đều được Đảng ta cân nhắc, tính toán, lựa chọn một cách thận trọng, khách quan. Chỉ đạo tại phiên họp lần thứ nhất của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu công tác nhân sự phải thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan; lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ; chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”… Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”.
Nhìn chung, chúng ta đã xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác; có khả năng quy tụ, tập hợp quần chúng. Đến nay, Đảng ta đã có 94 năm đồng hành cùng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt nhiều thắng lợi to lớn, từ việc đánh đuổi thực dân xâm lược, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, bảo vệ Tổ quốc cho đến việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều bạn bè quốc tế. Đến nay, chúng ta đã thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 7 quốc gia – là những cường quốc trên thế giới. Đây là minh chứng khẳng định, Đảng ta đã lựa chọn “đúng” và “trúng” nhân sự, nhất là các vị trí lãnh đạo chiến lược. Những luận điệu công kích, phủ nhận kết quả lựa chọn nhân sự của Đảng ta là hoàn toàn phi lý và sai trái.
Liên quan đến việc một số cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất và bị xử lý, phải khẳng định rõ đây là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV, Đảng ta cũng đã chỉ ra những “mặt trái”, hạn chế, khuyết điểm trong công tác nhân sự. Đó là tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…, trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Đó là việc một số cán bộ làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến quyền lợi, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự. Đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực mới chỉ bước đầu được ngăn chặn, đẩy lùi… Chính vì vậy, để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Đảng ta đã đẩy mạnh công tác đấu tranh, xử lý sai phạm. Theo thống kê, tính từ đầu Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có cả xử lý hình sự. Điều này cho thấy, Đảng kiên quyết không thỏa hiệp, không bao che, không dung túng cho cán bộ vi phạm. Và cũng phải nói thêm, không phải đến bây giờ chúng ta mới nói về việc cán bộ suy thoái. Sinh thời, để trả lời cho câu hỏi “đảng viên đều là người tốt, vì sao lại có những người vu vơ, những việc mờ tối”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa…”.
Công tác nhân sự giữ vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, cùng với việc trở thành “tai mắt” của Đảng, kịp thời phản ánh những thói hư, tật xấu của những cán bộ thoái hóa, biến chất, chúng ta cũng phải đồng hành cùng Đảng trong việc đấu tranh, phản bác các thông tin, luận điệu sai trái, thù địch về công tác nhân sự.
Trần Anh (BPO)
ConversionConversion EmoticonEmoticon