Những kẻ xâm hại dùng mọi thủ đoạn để dụ dỗ, khống chế trẻ rồi thực hiện hành vi xâm hại trong thời gian dài, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm sinh lý, hạnh phúc của trẻ em.
Kinh hoàng những vụ ấu dâm
Giữa tháng 5, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp cùng Tổ chức Planète Enfants et Développement (PE&D) tổ chức hội thảo chuyên đề về thực trạng tình hình bạo lực, xâm hại, bóc lột sức lao động và các nguy cơ dẫn đến bắt cóc, buôn bán trẻ em trên địa bàn TPHCM. Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 đại diện các tổ chức bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố.
Kể về một clip ghi lại hành động xâm hại trẻ em đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng cơ quan thường trực phía Nam Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, bức xúc: "Tôi kinh hoàng và ghê tởm!".
Nội dung clip quay cảnh trong phòng tắm, một người phụ nữ hướng dẫn 2 đứa trẻ còn rất nhỏ làm "chuyện người lớn".
Bà Trần Thị Thu Hà băn khoăn: "Không biết người phụ nữ ấy là mẹ hay người giám hộ. Nhưng rõ ràng đó là hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Hội đã báo cáo Bộ Công an, yêu cầu điều tra xuất xứ, nơi diễn ra hành vi trên".
Cũng tại hội nghị, Trung tá Phạm Thành Trung, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, chia sẻ về một vụ án mà công an cũng bất ngờ khi biết rõ tình tiết vụ việc.
"Nạn nhân là bé trai, nghi phạm là cậu ruột của bé trai này. Nghi phạm được mẹ cậu bé nhờ dạy kèm cho cháu, lợi dụng việc cháu mê chơi game rồi dẫn dụ cháu quay clip khỏa thân, sau đó dùng clip khỏa thân này khống chế, ép buộc và xâm hại cháu bé", Trung tá Phạm Thành Trung cho biết.
Theo vị Trung tá công an, nghi phạm có sở thích đặc biệt là chỉ có hứng thú khi quan hệ với bé trai nhỏ tuổi nên tìm cách để dẫn dụ, ép buộc cháu ruột của mình.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, nhắc lại vụ án 2 bé gái bị bắt cóc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ vừa xảy ra vào tháng 4. Khi 2 đứa trẻ được giải cứu, nhóm làm việc của luật sư đã có cuộc trao đổi sâu với 2 bé để tiến hành các hoạt động pháp lý bảo vệ quyền lợi cho 2 cháu.
"Qua cuộc trò truyện, nghe các cháu kể về hành vi của nghi phạm, chúng tôi phát hiện đây không phải là vụ bắt cóc đơn thuần mà có dấu hiệu xâm hại trẻ em, bắt các cháu thực hiện các hành vi khiêu dâm để quay phim, gửi ra nước ngoài", luật sư Ngọc Nữ cho biết.
Ngay sau đó, cơ quan công an điều tra theo hướng này và phát hiện nhiều clip khiêu dâm mà nghi phạm bắt cóc 2 bé gái thực hiện. Đối tượng cũng khai nhận gửi những clip trên cho một người đàn ông ở nước ngoài.
Theo luật sư Ngọc Nữ, đây là loại tội phạm mới mà các gia đình có con nhỏ cần cảnh giác và cơ quan pháp luật cần giám sát, xử lý chặt chẽ và nghiêm khắc.
"Thương con cũng không thể tố cáo em ruột xâm hại cháu"
Theo Trung tá Phạm Thành Trung, sau đại dịch Covid-19, những vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục có dấu hiệu phức tạp, có xu hướng tăng về số vụ lẫn tính chất khiến dư luận bức xúc.
Trong năm 2023, trên địa bàn thành phố ghi nhận 186 vụ việc xảy ra liên quan đến trẻ em, 196 nạn nhân bị xâm hại (57 nam, 139 nữ). Trong đó, nhóm hành vi liên quan đến xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất (155 vụ, chiếm tỷ lệ 83,33%).
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Phòng Cảnh sát hình sự ghi nhận xảy ra 45 vụ, 46 nạn nhân bị xâm hại (4 nam, 42 nữ). Trong đó, nhóm hành vi liên quan đến xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất (40 vụ, chiếm tỷ lệ 88,88%).
Trung tá Phạm Thành Trung đánh giá: "Hiện tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng tăng nhưng số lượng các vụ được phát hiện chưa phản ánh đúng với tình hình thực tế".
"Có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, tái diễn nhiều lần với nhiều nạn nhân nhưng thời gian rất lâu sau đó mới được phát hiện, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý, hạnh phúc của trẻ em", cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM nhận định.
Theo ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM), con số vụ án xâm hại được phát hiện trên chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số gần 2 triệu trẻ em (dưới 16 tuổi) trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đó vẫn là thực trạng nhức nhối mà thành phố đã nỗ lực lâu nay để xóa bỏ.
Ông cho biết: "Công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên. Chúng tôi tìm mọi giải pháp để ngăn ngừa loại tội phạm nguy hiểm này".
Nhưng công tác này gặp rất nhiều khó khăn vì loại tội phạm xâm hại trẻ em rất khó phát hiện. Một số trường hợp xâm hại diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng…
Bà Trần Thị Thu Hà đồng tình: "Có vụ việc người mẹ ở Bình Dương đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em nhờ hỗ trợ cho con mình. Hỏi ra mới biết bé bị xâm hại bởi người hàng xóm từ 5 năm trước thì làm sao có căn cứ để xử lý?".
Luật sư Ngọc Nữ lấy dẫn chứng từ vụ án người cậu ruột xâm hại cháu trai vừa phát hiện: "Tôi thuyết phục bà mẹ từ 14h đến 16h30 mà người mẹ nhất quyết không tố cáo đối tượng xâm hại con mình. Cô ấy bảo thương con nhưng mà không thể tố cáo em ruột của mình".
Phát hiện rồi cũng khó xử lý
Theo Trung tá Phạm Thành Trung, các vụ án xâm hại trẻ em không chỉ khó phát hiện mà khi phát hiện cũng rất khó xử lý.
Nguyên nhân là đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em có mối quan hệ quen biết, gần gũi, thậm chí có quan hệ thân thích với nạn nhân nên gia đình thường e ngại tố giác. Khi tố giác thì đã trễ, rất khó chứng minh người phạm tội.
Đối với các vụ án xảy ra tại những khu vực vắng vẻ thì các em thường không thể nhớ rõ nhân dạng, tên tuổi đối tượng xâm hại và các thông tin khác để truy tìm.
Một số trường hợp người thân trong gia đình người bị hại tự thỏa thuận với đối tượng, lưỡng lự trong cách giải quyết, không làm đơn tố cáo hoặc tự ý rút đơn tố cáo, dẫn đến khai báo chậm hoặc không hợp tác với cơ quan công an.
Trung tá Phạm Thành Trung phân tích: "Trẻ em bị xâm hại tình dục, nếu phát hiện chậm trễ, không đưa trẻ đi giám định kịp thời sẽ dẫn đến thiếu hoặc mất chứng cứ quan trọng để xác định người phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử".
Không đưa trẻ đi giám định kịp thời sẽ dẫn đến thiếu hoặc mất chứng cứ quan trọng để xác định người phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử
Tuy nhiên, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, gốc rễ vấn đề không phải là phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em mà là làm sao để không còn những vụ xâm hại trẻ em xảy ra.
Nhiều đại biểu nhận định, biện pháp tốt nhất vẫn là tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết về hành vi xâm hại cho bản thân trẻ, cho gia đình và xã hội để trẻ có thể phòng tránh, phản ứng khi bị xâm hại; gia đình kịp thời phát hiện để bảo vệ con, xã hội biết cách ứng phó khi phát hiện dấu hiệu phạm tội.
Theo ông Nguyễn Văn Tính, tuyên truyền vẫn là công tác trọng tâm mà Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM thực hiện trong nhiều năm nay.
Trung tá Phạm Thành Trung nhận định: "Muốn phòng ngừa tốt thì không phải một cơ quan, đơn vị nào làm được mà cần có sự chung tay của toàn xã hội, kịp thời phát hiện và bảo vệ trẻ khi có dấu hiệu xảy ra".
Bà Julia Levivier, Trưởng đại diện tổ chức Planète Enfants et Développement (PE&D) tại Việt Nam, cũng đánh giá công tác tuyên truyền tăng cường nhận thức có hiệu quả tốt trong việc phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Công tác tuyên truyền tăng cường nhận thức có hiệu quả tốt trong việc phòng chống bạo lực, mua bán, xâm hại trẻ em
Bà Julia Levivier cho biết: "Tại TPHCM, chúng tôi phối hợp cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em thực hiện nhiều buổi chiếu phim nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nội dung này. Qua 8 chương trình chiếu phim có 381 người tham gia. Kết quả khảo sát ghi nhận 99% người tham gia đã biết cách phản ứng nếu gặp trường hợp bị bạo hành, mua bán, xâm hại trẻ em".
ConversionConversion EmoticonEmoticon