Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã là một nhiệm vụ lớn đang được các địa phương thực hiện. Núp dưới danh nghĩa phản biện xã hội, không ít đối tượng xấu đã tung ra những thông tin sai lệch, phiến diện, xuyên tạc về việc sắp xếp đơn vị hành chính để kích động sự bất ổn xã hội.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đang là nội dung nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Bên cạnh đại đa số ý kiến tán thành, còn một số ý kiến băn khoăn về vấn đề này. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã tung ra nhiều luận điệu độc hại, sai trái, xuyên tạc như: “Nhiều địa danh lịch sử trên cả nước sắp bị biến mất do các tỉnh nhập tách đơn vị hành chính. Nếu rảnh rỗi quá thì nên đọc lại sách tiểu học để cập nhật kiến thức và khỏi tốn thời gian làm chuyện ruồi bu”, “sắp xếp lại đơn vị hành chính là điều không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, tốn kém ngân sách”, “xét về văn hóa, xóa bỏ tên làng, xã, huyện còn dã man hơn cả giặc phương Bắc ngày xưa đập bia, đốt sách nước Nam”, “việc sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện nóng vội, chủ quan, không phù hợp với thực tiễn”… Bằng những giọng điệu tiêu cực như nêu trên, các đối tượng xấu đang cố tình kích động sự hoang mang, bất đồng trong xã hội.
Xuất phát từ thực trạng nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây nhiều khó khăn, cản trở trong việc phát triển kinh tế – xã hội, làm phân tán nguồn lực đầu tư, tạo ra tổ chức bộ máy cồng kềnh…, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Mục tiêu của việc sắp xếp đơn vị hành chính là để tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Quá trình triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện thận trọng, theo từng lộ trình rõ ràng. Tổng kết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 cho thấy, việc sắp xếp này đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ngày 30-1-2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Đến ngày 12-7-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Đây là những cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2023-2025, có 50 đơn vị cấp huyện và 1.243 đơn vị cấp xã thực hiện sắp xếp. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã là chủ trương được Đảng, Nhà nước nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ và đa chiều. Trong đó, các nguyên tắc quan trọng khi triển khai việc sắp xếp là: tuân thủ Hiến pháp, thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục được pháp luật quy định; cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế – xã hội; gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ…
Cùng với các trường hợp phải sắp xếp, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12-7-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ các trường hợp không bắt buộc sắp xếp, có thể kể đến như: đơn vị hành chính có địa giới đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào; đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề…
Việc sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện một cách dân chủ, đúng quy định pháp luật. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được chú trọng, góp phần tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao từ cộng đồng. Đồng thời, việc tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn được triển khai bảo đảm công khai, minh bạch. Mặt khác, nghị quyết của Quốc hội cũng quy định rõ việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri. Đây là những căn cứ quan trọng bác bỏ luận điệu xuyên tạc, chống phá đang được các đối tượng xấu rêu rao.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là vấn đề khó, phần nào ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, đây là việc cần thiết phải tiến hành để các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Anh Tú (BPO)
ConversionConversion EmoticonEmoticon