Thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook, tiktok, youtube và các diễn đàn Phật giáo online thường xuyên đưa tin, đăng tải về một người tự xưng là “Thích Minh Tuệ”, mặc trang phục làm từ nhiều miếng vải nhiều màu sắc ghép lại giống quần áo của nhà tu hành, mang theo ruột nồi cơm điện, đi bộ khất thực trên các trục đường giao thông qua nhiều tỉnh thành và chia sẻ, nói chuyện về phương pháp tu hành “hạnh đầu đà” (khổ hạnh).
“Thích Minh Tuệ” tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981, tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện Lê Anh Tú không có địa chỉ cư trú cố định. Sau khi học xong trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên (tỉnh Đăk Lăk), Lê Anh Tú đi bộ đội, sau khi xuất ngũ làm công việc đo đạc địa chính ở tỉnh Phú Yên. Năm 2015, Lê Anh Tú bỏ nghề địa chính, đến một số chùa ở Tây Ninh, Khánh Hòa xin tu tập, nhưng một thời gian ngắn thì bỏ tu tập, rời khỏi chùa. Bản thân “Thích Minh Tuệ” không tự nhận mình là tu sỹ Phật giáo, không phải là “thầy” và cũng không có “đệ tử”, ông chỉ bộ hành để “tập học” theo lời dạy của Đức Phật, vừa là để “rèn luyện sức khỏe”.
“Thích Minh Tuệ” đã 03 lần thực hành phương pháp tu tập “hạnh đầu đà” bằng hình thức đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại, khi đi không mang giấy tờ tùy thân. Điều khiến “Thích Minh Tuệ” gây được ấn tượng đặc biệt là ông đang “tự tu” theo “hạnh đầu đà” – một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não cõi trần, có từ thời Đức Phật tại thế. Trong 03 lần khất thực trước đây, “Thích Minh Tuệ” hầu như không được ai chú ý. Tuy nhiên, lần thứ 4 này “Thích Minh Tuệ” đã và đang được số Tiktoker, Youtuber, Facebooker … đi theo, quay video clip, thổi bùng khắp các trang mạng xã hội, tạo nên nhiều luồng dư luận khác nhau, hiện “cư dân mạng” mặc nhiên coi “Thích Minh Tuệ” là “sư”, là hình mẫu của nhà tu hành, ca ngợi phương pháp tu tập của “Thích Minh Tuệ”, nhiều bài đăng, video clip được cắt, ghép, dựng, đăng tải những thông tin mang tính chất so sánh phiến diện, tiêu cực nhằm đả kích các tu sỹ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gây hiểu lầm trong quần chúng nhân dân về Phật giáo, tạo dư luận xấu, dễ bị các đối tượng lợi dụng, tuyên truyền, xuyên tạc về Phật giáo, ảnh hưởng đến uy tín của tu sỹ Phật giáo thuộc GHPGVN; việc người dân hiếu kỳ đi theo, tụ tập xem và tặng đồ cho “Thích Minh Tuệ” gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự.
Đặc biệt, một số đối tượng đã lợi dụng, trà trộn vào đoàn người đi theo “Thích Minh Tuệ” tán phát tài liệu tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia các “tôn giáo lạ hoặc đề nghị thành lập một tôn giáo mới. Một số tổ chức, cá nhân cực đoan ở trong và ngoài nước đã lợi dụng sự việc này để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam ( điển hình như sau khi có thông tin cán bộ tại một địa phương ngăn cản đám đông bộ hành tại một nghĩa trang, thì trang fanpage “Việt Tân” đã giật tiêu đề “chính quyền không cho thầy Minh Tuệ dừng chân qua đêm”, kích động nhiều bình luận chống phá...); kích động tăng, ni, phật tử và nhân dân tu theo “Thích Minh Tuệ”, tẩy chay tăng, ni Phật giáo, gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa các tôn giáo.
Rõ ràng “Thích Minh Tuệ” không phải là tu sỹ Phật giáo, chỉ là một người có tín ngưỡng và đang thực hành một phương pháp “tu tập” tương tự phương pháp tu tập “hạnh đầu đà” của Phật giáo. Mặc dù chúng ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của “Thích Minh Tuệ” nhưng việc “Thích Minh Tuệ” thực hành niềm tin tín ngưỡng của mình cũng như hiện tượng đám đông người đi theo “Thích Minh Tuệ” trong thời gian qua đã gây những ảnh hưởng xấu đến ANTT, cảnh quan môi trường, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm khoản 4, Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo).
Bản thân mỗi người dân cần hiểu, nhìn nhận đúng đắn về hoạt động của “Thích Minh Tuệ” cũng như những phức tạp, nguy hiểm về sức khỏe, an ninh trật tự do số đối tượng lợi dụng hoạt động của “Thíc Minh Tuệ” gây ra, từ đó không a dua hưởng ứng chia sẻ, bình luận tôn sùng “Thích Minh Tuệ”; không tụ tập đông người tặng quà, đi theo Thích Minh Tuệ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Mọi người dân nếu có niềm tin, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cần tìm hiểu, thực hành đúng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc và pháp luật của Nhà nước.
Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và đảm bảo quyền do tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Tuy nhiên mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Những hoạt động tôn giáo ích nước lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được đảm bảo. Ngược lại, mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để làm mất trật tự an toàn xã hội, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, chống phá chính sách của Đảng, Nhà nước, hay gây tổn hại các giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa của dân tộc đều bị xử lý theo quy định pháp luật.
ConversionConversion EmoticonEmoticon