Trong lần trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Tuổi trẻ tháng 7-2020, GS.BS Trần Đông A chia sẻ: “Tôi còn nhớ trong một dịp cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam làm việc tại Mỹ, một vị đã hỏi tôi rằng: “Ông Đông A, ông từng phục vụ chế độ cũ, từng tu nghiệp tại Mỹ, sau giải phóng phải vào trại cải tạo. Người ta đã bắt ông phải làm cái gì không?”. Tôi thẳng thắn trả lời đúng là thời gian đi cải tạo là giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời tôi nhưng khi nhìn lại, tôi thấy được cách sống, cách làm việc tích cực dưới chế độ mới. Và điều tôi hạnh phúc nhất cho đến ngày hôm nay là được sống trên 45 năm trong một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất”.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, đất nước đã bước vào thời kỳ phát triển mới, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc nhưng đâu đó vẫn còn một số kẻ mù quáng nhớ về chế độ cũ, điên cuồng chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Càng đến gần Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), những luận điệu chống phá càng được các thế lực xấu ráo riết tung ra. Bằng thủ đoạn “viết lại lịch sử”, những kẻ này đã lan truyền nhiều thông tin phiến diện, một chiều hòng bôi lem chế độ, hạ bệ uy tín của đất nước cũng như “ru ngủ”, làm mờ mắt những người nhẹ dạ cả tin. Có kẻ nhắc đến câu chuyện vượt biên trái phép và “khoác” lên đó tấm áo “thuyền nhân” rồi đổ lỗi cho rằng chế độ mới đã “ép” họ phải rời xa Tổ quốc. Có kẻ thì kể về thời gian cải tạo bằng những luận điệu hằn học, cục cằn và gọi đó là “giai đoạn đau thương của cuộc đời”. Có kẻ lại phủ nhận tính chính nghĩa, anh hùng cách mạng, tự lực, tự cường của nhân dân Việt Nam và cho rằng Việt Nam chỉ là “quân cờ” của các nước lớn, chiến thắng 30-4-1975 chỉ là ăn may. Một số kẻ tiếp tục “nhai lại” luận điệu rằng: “30-4 là ngày quốc hận, người dân miền Nam đã bị cướp mất đất nước, bị bức tử, bị chết oan uổng mà không có lý do”… Để ngăn cản những người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn hướng về Tổ quốc, chúng thực hiện đủ mọi chiêu trò, từ hù dọa, cô lập đến bôi đen tình hình đất nước, thậm chí còn lan truyền luận điệu: “sau gần nửa thế kỷ người dân vẫn không ngừng chạy để mong thoát khỏi chế độ cộng sản”, “dưới sự cầm quyền của Đảng, đất nước đã bị lao xuống đáy vực sâu”… Rõ ràng, đây là những luận điệu phi lý, vô căn cứ, không thể chấp nhận.
Ngay lời mở đầu bài viết, tôi đã nhắc đến lời chia sẻ, tự sự đầy chân thật của GS.BS Trần Đông A, một sĩ quan có 9 năm trong quân ngũ, mang quân hàm Thiếu tá, giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn Nhảy dù quân lực Việt Nam Cộng hòa, để thấy rằng bất cứ ai thực lòng đóng góp vì sự phát triển của đất nước đều được trân trọng, tôn vinh và tạo mọi cơ hội để phát triển. Sau ngày 30-4-1975, với chức vụ từng đảm nhiệm, GS.BS Trần Đông A phải đi “học tập cải tạo” 2 năm tại trại Suối Máu (Đồng Nai) và đối diện với không ít khó khăn. Như nhiều sĩ quan trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa khác, sau thời gian cải tạo, GS.BS Trần Đông A cũng từng tính chuyện vượt biên nhưng trớ trêu thay, sự việc bất thành và ông đã bị bắt giam. Sau này, khi làm việc trong chế độ mới, dù có cơ hội “đường đường chính chính” di cư ra nước ngoài nhưng ông vẫn quyết định gắn bó và tận lực cống hiến cho Tổ quốc. Với những nỗ lực của bản thân, GS.BS Trần Đông A đã khẳng định tên tuổi của mình trên lĩnh vực y học nước nhà cũng như thế giới, đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau. Ông còn được Trung ương đề cử ứng cử đại biểu Quốc hội và được cử tri tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội 2 khóa liên tiếp (khóa XI, XII).
Không riêng gì GS.BS Trần Đông A, nhiều sĩ quan trong quân đội, trí thức và cả cán bộ cấp cao trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã quay đầu hướng thiện, trở thành những người có ích cho xã hội và được chính quyền trọng dụng. Thực tế cũng chứng minh, những đóng góp của nhiều trí thức từng tham gia bộ máy chính quyền cũ đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nước ta bước vào một thời kỳ mới với khó khăn bộn bề. Nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nhỏ, năng suất lao động và thu nhập quốc dân rất thấp, lương thực, thực phẩm cho người; nguyên liệu, nhiên liệu, phụ tùng cho công nghiệp còn thiếu, xuất không đủ nhập. Đồng thời, dưới sự bao vây, cấm vận từ một số quốc gia, những khó khăn mà nước ta gặp phải càng chồng chất. Cùng với đó, trong chiến dịch “hậu chiến”, các thế lực thù địch cũng đẩy mạnh việc thực hiện các cuộc “chiến tranh tâm lý”, kích động người dân trong nước, nhất là những người có mối quan hệ gắn bó với chế độ cũ, tìm cách vượt biên trái phép trốn ra nước ngoài nhằm vu khống rằng đang có một cuộc “khủng hoảng nhân đạo” ở Việt Nam. Dưới những tác động nhiều phía nêu trên, một số cá nhân đã có nhận thức sai lầm, rời xa Tổ quốc. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước đã vượt qua những cám dỗ từ bên ngoài, sẵn sàng đồng hành cùng dân tộc trong những thời khắc khó khăn nhất. Nếu ở lĩnh vực y tế, GS.BS Trần Đông A là một tấm gương tiêu biểu thì trên lĩnh vực kinh tế, các trí thức trong “Nhóm thứ sáu” – tập hợp nhiều trí thức từng làm việc trong bộ máy chính quyền cũ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các chính sách về kinh tế những năm 80, 90 của thế kỷ trước như Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Phan Thành Chánh, Mai Kim Đỉnh, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Phan Tường Vân, Nguyễn Ngọc Bích… Nhiều thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài sau khi tận mắt chứng kiến hình hài Tổ quốc, cảm nhận đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, ngày càng phát triển giàu mạnh cũng đã nhận thức được đâu là chính nghĩa, đâu là giả tạo và từ đó quay về cống hiến cho quê hương.
Cha ông ta từ xưa vẫn răn dạy: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”. Tổ quốc và nhân dân vẫn luôn bao dung, sẵn sàng mở rộng vòng tay để đón nhận, che chở, bảo vệ, hỗ trợ những người mang trong mình dòng máu Việt thành tâm xây dựng đất nước. Ngược lại, với những kẻ chỉ chực chờ tấn công chế độ, phá hoại hòa bình của dân tộc thì chẳng bao giờ được Tổ quốc và nhân dân chấp nhận.
Anh Tú
ConversionConversion EmoticonEmoticon