Tổng số lượt xem trang

Không thể xuyên tạc công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Trong không khí trầm lắng của xã hội và sự tiếc thương vô hạn của các tầng lớp nhân dân trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì trên một số trang RFA, baotiengdan… lại trơ trẽn phát tán những bài viết xuyên tạc về sự nghiệp, công lao to lớn của Tổng Bí thư đối với đất nước và dân tộc. Những bài “Khóc lãnh tụ”, “Bi kịch”, “công với ai và tội với ai”… đã thêu dệt, thậm chí đổi trắng thay đen về thân thế, sự nghiệp, cống hiến to lớn của nhà lãnh đạo tài ba Nguyễn Phú Trọng. Chúng suy diễn kết quả phòng, chống tham nhũng rằng “do việc đào tạo, tuyển chọn trong khóa XIII nên 7/18 Ủy viên Bộ Chính trị bị cách chức, cho thôi giữ chức do bị nhúng chàm”, “hơn 30 ủy viên TW bị bắt, cách chức, cho thôi giữ chức vì tham nhũng”, “cấp thấp hơn tuần tự là số trăm, số ngàn”, “những thiệt hại nhân sự khủng khiếp chưa từng có”, rằng “đây chỉ là con số nhúng chàm đã bị lộ, con số đảng viên nhúng chàm chưa bị lộ thì khó có thể thống kê”… Chúng cho rằng, “thực thể chuyên chính vô sản với chính quyền độc tài toàn trị…” làm cho “báo chí, tôn giáo cũng bị bóp nghẹt hơn bao giờ hết…”, “nhiều nhà báo phản biện… bị kết án tù rất nặng nề”…! Trên thực tế, trong nhiều nhiệm kỳ là Ủy viên TW, Ủy viên Bộ Chính trị, với gần ba nhiệm kỳ là Tổng Bí thư, Tổng Bí thư được dư luận trong và ngoài nước đánh giá là nhà lãnh đạo xuất sắc có tâm, có trí tuệ, có tầm chiến lược, đã có nhiều đóng góp to lớn, cùng Trung ương lãnh đạo đưa nhân dân ta vượt qua hết khó khăn này đến thách thức khác, tiến hành đổi mới thắng lợi trên các lĩnh vực, từ kinh tế – xã hội, xây dựng Ðảng, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tổng Bí thư cũng là nhà lý luận, nhà khoa học xuất sắc với tư duy sáng tạo vượt trội, đóng góp đáng kể cho kho tàng lý luận, khẳng định mạnh mẽ tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Những đóng góp của bậc đại trí thức ấy là thông điệp truyền cảm hứng và củng cố vững chắc niềm tin cho toàn dân tiếp tục đi theo con đường cách mạng; cũng là tài liệu có giá trị cho bạn bè quốc tế nghiên cứu, tham khảo, vận dụng, góp phần vào sự phát triển và sự tiến bộ của nhân loại. Nhớ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dân nhớ đến hình ảnh một nhà lãnh đạo mẫu mực, nói đi đôi với làm, có cơ sở khoa học và thực tiễn, vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì những điều tốt đẹp nhất cho người dân; nhưng cũng không khoan nhượng, dung thứ cho những việc làm sai trái, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chính kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực những năm gần đây để lại dấu ấn sâu đậm, là cơ sở củng cố niềm tin, nhân lên sức mạnh đoàn kết. Những kết quả ấy gắn liền với tên tuổi, công sức của Tổng Bí thư. Trong đối ngoại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn, nhất là việc nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với một số nước, trên nguyên tắc độc lập, hòa bình, hợp tác và cùng phát triển. Ðó là cơ sở để đất nước chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phát triển phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Tổng Bí thư là một người cán bộ mẫu mực, trí tuệ, bản lĩnh, liêm khiết, gần dân; bởi vậy, cùng với những phần thưởng cao quý của Ðảng, Nhà nước ta trao tặng, Tổng Bí thư còn có một phần thưởng cao quý khác, đó là tình cảm và niềm tin của nhân dân, hình ảnh của Ông mãi in sâu trong trái tim người dân. Trên quốc tế, dư luận và truyền thông quốc tế hết sức quan tâm, đồng loạt đưa tin về sự ra đi của Tổng Bí thư, đánh giá cao sự đóng góp của Ông với sự phát triển và vị thế của Việt Nam. Lãnh đạo Lào ca ngợi Tổng Bí thư đã cống hiến tâm sức và trí tuệ cho các công tác quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới. Nhân dân Cuba dành 2 ngày chính thức để tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với nghi thức quốc tang. Hãng thông tấn TASS (Nga) đăng tiểu sử, điểm lại sự nghiệp chính trị, thành tựu của Tổng Bí thư. Thư chia buồn của Tổng thống Nga V. Putin cho biết nước Nga sẽ nhớ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một Người bạn thực sự có đóng góp cá nhân to lớn cho thiết lập và phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước… AFP, Reuters… mô tả Tổng Bí thư là người đầu tiên giữ cương vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong ba khóa liên tiếp kể từ sau Đổi mới năm 1986, có vai trò quan trọng trong hơn một thập kỷ qua, khi Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và nâng cấp quan hệ với nhiều nước. Tờ Guardian của Anh và nhiều báo chí khác đề cập đường lối đối ngoại “ngoại giao cây tre” vừa mềm dẻo vừa kiên cường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Washington Post nhấn mạnh chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư lãnh đạo, nỗ lực thực hiện đã tăng cường niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, cũng như khả năng điều hành một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi. Vẫn biết sinh, lão, bệnh, tử là quy luật vô thường của đời người, không ai tránh khỏi. Nhưng sự ra đi của Tổng Bí thư đã để lại niềm xúc động, thương xót khôn nguôi cho toàn xã hội, mọi người dân, cộng đồng mạng, bạn bè quốc tế. Với nhiều cống hiến đặc biệt xuất sắc, Ông đã được Bộ Chính trị quyết định trao Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Do đó mọi lời xuyên tạc đều tự trở nên lố bịch./.

 Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời cõi trần (19/7/2024), các bài viết ca ngợi về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của người cộng sản kiên trung, trí tuệ, mẫu mực về tư tưởng và hành động cũng như nhân cách đạo đức cách mạng trong sáng, sống, làm việc theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện báo chí, truyền thông của Nhà nước Việt Nam; thậm chí có vô cùng nhiều trên các trang facebook cá nhân, mạng xã hội… Song đâu đó cũng trong những ngày này, lại vẫn có những luận điệu khiên cưỡng, lạc lõng, xuyên tạc, thậm chí bôi đen về Tổng Bí thư và cũng vẫn còn những nhận định phiến diến theo chủ kiến cá nhân, mà một trong số đó là bài viết “Bi kịch” của Phạm Đình Trọng. Cuộc đời và những gì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại thật ấn tượng, chứ không phải “là một bi kịch lớn” như Phạm Đình Trọng viết trên facebook cá nhân ngày 20/7/2024 và được một số trang mạng đăng lại. Phạm Đình Trọng là ai thì cõi mạng này ai cũng biết, nên ông đừng có nói rằng cuộc đời Tổng Bí thư “là một bi kịch lớn”, bởi đó là một người mà khi đã đi xa vẫn luôn sống trong lòng dân; một người mà khi người ta nói xấu là bỗng thấy mình sống sượng, trơ trẽn đến nực cười. Với bài viết này, cần phải khẳng định với Phạm Đình Trọng mấy điều!

Thứ nhất, học thuyết Mác – Lênin về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội không phải là một “thiên đường cộng sản chủ nghĩa đầy huyễn hoặc, viễn vông, lầm lạc, giả dối và độc ác”, mà đó là đích đến của nhân loại. Hành trình đi đến chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa tuy còn những quanh co, những khúc ngoặt và đầy thử thách, song lý luận về hình thái kinh tế xã hội khẳng định “sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử tự – nhiên”[1] và xã hội loài người tất yếu tiến đến hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, “lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử[2] và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng chỉ rõ: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử[3]

Vì thế, không phải Tổng Bí thư “thật thà, cả tin” nên “mới gửi lòng tin son sắt vào học thuyết cộng sản”, mà chính là Tổng Bí thư kiên định lý tưởng cộng sản; kiên định trước những thay đổi của thời cuộc để không chỉ khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là đúng đắn, phù hợp điều kiện của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử, mà còn đồng thời phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và lý luận về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản nói riêng trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Thứ hai, đúng là Tổng Bí thư không chỉ kiên trung, “sắt đá gửi lòng tin vào chủ nghĩa xã hội”, mà bằng những bài phát biểu, những bài viết của mình, người đứng đầu Đảng đã từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn cách mạng Việt Nam để bổ sung, làm mới, làm rõ hơn lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sự kiên định, kiên trung của Tổng Bí thư về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản lan tỏa trong Đảng, trong cán bộ, đảng viên và người dân, chứ đó không phải là sự “thuyết giảng” suông và Tổng Bí thư đã “gửi niềm tin vào cái viển vông, sai trái, lầm lạc và mang ý chí mạnh mẽ quyết liệt thực hiện niềm tin lầm lạc là một bi kịch quá lớn trong cuộc đời khá phẳng lặng của ông” như Phạm Đình Trọng suy diễn, bôi đen sự thật.

Những tác phẩm mà Tổng Bí thư để lại không chỉ khẳng định giá trị vĩnh hằng của chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn, sáng suốt, vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam với đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam được lịch sử ghi nhận, mà còn truyền lửa, thắp sáng hành trình đi đến tương lai của dân tộc Việt Nam – hành trình đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn cách đây hơn 94 năm bằng chính bản lĩnh và sự kiên định của người đứng đầu. Đây mới là sự thật và sự thật này “vả vào mặt” Phạm Đình Trọng khi ông ta ngớ ngẩn cho rằng “với bản tính thật thà, dù ở cương vị dẫn dắt người dân đang đau khổ, chán nản, tuyệt vọng trên con đường trần ai xây dựng chủ nghĩa xã hội, ông vẫn hồn nhiên công khai thú nhận với dân rằng đến hết thế kỉ này, cả trăm năm nữa cũng không biết đã có chủ nghĩa xã hội hay chưa”.

Thứ ba, Phạm Đình Trọng đã “lấy cái bụng tiểu nhân để đo lòng quân tử”, đã lấy cái tôi cỏn con để xúc phạm Tổng Bí thư, mà không biết rằng người đời chưa ai nói Phạm Đình Trọng thông minh, có trí tuệ vì những gì ông đã nói, đã làm. Song nhân dân, bàn bè, đồng chí, đồng nghiệp ở trong nước và quốc tế thì đều đánh giá cao sự thông minh, sắc sảo, bản lĩnh, khôn khéo và linh hoạt nhưng rất chân thành, nhân văn và ấm áp tình người của Tổng Bí thư trong cả tư tưởng và hành động. Một người cộng sản trưởng thành qua nhiều vị trí công tác, đảm nhiệm nhiều chức vụ và đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên định lý tưởng cách mạng, kiên định những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và làm mới, bổ sung bằng thực tiễn cách mạng Việt Nam, góp phần vào những thành tựu mà Việt Nam đạt được bao năm qua (nhất là trong 3 nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư), thì chắc chắn không phải là “lòng tin lầm lạc của ông đã chỉ ra trí tuệ hạn hẹp, sự minh mẫn thiếu vắng và tài năng khiêm nhường của ông” hay “trí tuệ hạn hẹp và tài năng khiêm nhường như vậy mà ông lại có quyền lực tột đỉnh dẫn dắt muôn dân, có tầm ảnh hưởng bao trùm cả đất nước. Đó cũng là một đại bi kịch” như Phạm Đình Trọng bôi nhọ.

Kỳ thực, Phạm Đình Trọng đã không ít lần viết về Đảng và chế độ khiến mình thấy đáng khinh, nhưng với những luận điệu cho rằng Tổng Bí thư “không có đủ trí tuệ mẫn tiệp, lại thiếu từng trải cuộc đời” và “khư khư ôm ấp học thuyết cộng sản đã được thực tế xã hội loài người chứng minh là một sai lầm, một thảm hoạ khủng khiếp, một tội ác man rợ chống lại loài người và đã bị thực tế cuộc sống vứt vào sọt rác lịch sử” của ông ta – thì có thể thấy rằng người này đã mất hết tính “người”. Chính những luận điệu phản động của Phạm Đình Trọng mới tạo nên “bi kịch” cho cuộc đời ông ta kể từ khi ông ta viết những dòng chữ bẩn thỉu này. Dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam thật khốn khổ, oan nghiệt khi có một đồng bào là Phạm Đình Trọng.

Cuối cùng thì có thể khẳng định rằng, những luận điệu phản động trong bài viết “bi kịch” này của Phạm Đình Trọng đã khiến người đọc ghê tởm. Dù ông ta và các thế lực thù địch có bôi đen sự thật thế nào đi chăng nữa thì con đường cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, nhân dân Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lựa chọn, kiên định đi theo/con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ vẫn tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân như Tổng Bí thư đã quyết liệt trong hoạch định chủ trương, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện.

Cuộc đời một người đảng viên bản lĩnh, kiên trung, sắt son với lý tưởng cộng sản đã chọn, thể hiện trong từng quyết sách kịp thời, phù hợp, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân… tận hiến đến phút cuối không phải là sự “tất bật đi gieo truyền niềm tin vào chủ nghĩa xã hội tệ hại” và “hì hục viết sách răn dạy những điều lầm lạc” như Phạm Đình Trọng vô sỉ bịa đặt. Mà đó chính là cuộc đời một Tổng Bí thư nghiêm cẩn với chính mình, người thân để nêu gương đúng đắn; nghiêm khắc nhưng nhân văn, cần thiết với đội ngũ cán bộ, đảng viên để Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong đã góp phần vào thành tựu của đất nước Việt Nam “chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó là một cuộc đời với những dấu ấn ấn tượng, chứ không phải là Tổng Bí thư đã tạo ra “bi kịch xót xa” cho chính mình và “mang bi kịch đau thương đến cho cả muôn dân Việt Nam” và khi ông đi xa thì “bi kịch của cuộc đời ông đã dừng lại nhưng bi kịch của người dân Việt Nam thì vẫn còn đấy!” như Phạm Đình Trọng hèn mạt vu khống Tổng Bí thư!

Trần Đình Tuấn Kiệt


[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.23, tr.21

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.51, tr.133

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.70

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son