Tổng số lượt xem trang

Ưu tiên hàng đầu đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng

 Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hơn 48% thanh thiếu niên đã từng bị bắt nạt trên mạng và trên 13% trẻ em phải tiếp xúc với các hình ảnh, thông tin khiêu dâm không mong muốn.

Internet hiện là một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người, kể cả trẻ em với nhiều lợi ích trong học tập và giải trí.

Tuy nhiên, việc sử dụng Internet cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn với trẻ em.

Việt Nam có 24,7 triệu trẻ em, hầu hết các em đều tiếp cận với internet và thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm. Độ tuổi trung bình của trẻ em Việt Nam sử dụng internet là 9 tuổi, sớm hơn 4 tuổi so với trung bình của thế giới.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hơn 48% thanh thiếu niên đã từng bị bắt nạt trên mạng và trên 13% trẻ em phải tiếp xúc với các hình ảnh, thông tin khiêu dâm không mong muốn.

Trẻ em thiếu kỹ năng tự bảo vệ trên không gian mạng

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng mà thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng Internet an toàn là một yếu tố chính.

Trẻ em thường không nhận thức đầy đủ về nguy cơ tiềm ẩn trên mạng và dễ trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo, xâm hại tình dục, bắt nạt.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), khảo sát tại Việt Nam cứ 10 trẻ em thì có 7 trẻ em sử dụng internet hơn 1 tiếng/ngày. Có 43,4% trẻ em sử dụng internet từ 1-3 tiếng/ngày; 80,8% trẻ em nói rằng cha mẹ hoặc người thân biết trẻ sử dụng internet; 54,4% trẻ em chia sẻ việc tiếp cận internet với bố, mẹ/người thân và 30,4% bố, mẹ/người thân chủ động kiểm soát việc sử dụng internet của trẻ.

Thời gian qua, anh N.V. H. (quận Hà Đông, Hà Nội) nhận thấy cô con gái 12 tuổi dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại di động. Khi kiểm tra điện thoại của con, anh H bất ngờ thấy con tham gia vào nhiều hội, nhóm, nhóm không lành mạnh trên mạng xã hội. “Cháu tham gia nhiều nhóm chat (trò chuyện) chia sẻ các cách trốn tiết, bỏ học. Nguy hiểm hơn, trong một số hội nhóm mà con tôi tham gia còn nói về những vấn đề nhạy cảm của người lớn, kèm theo nhiều thông tin, hình ảnh nhạy cảm. Tôi phải dùng biện pháp mạnh là cấm dùng điện thoại một thời gian và giải thích cho con về sự nguy hại khi tham gia các hội nhóm như vậy,” anh H. chia sẻ.

Chương trình giao lưu “Đọc sách và an toàn thông tin cho trẻ trên không gian mạng xã hội” được tổ chức tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Kết quả báo cáo quốc gia về nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại, bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng cho thấy 23% trẻ độ tuổi từ 12-17 tuổi sử dụng internet đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc là video nhạy cảm trên mạng; 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn. Có 8% trẻ từng nhận được bình luận khiếm nhã về bản thân; 2% trẻ đã được yêu cầu nói chuyện về tình dục khi trẻ không muốn. Tuy nhiên, 43% trẻ không nói với ai vì cho rằng sẽ không giải quyết vấn đề gì.

Thống kê của Bộ Công an cho thấy 3 năm qua, lực lượng chức năng cả nước đã khởi tố hơn 380 vụ với hơn 550 bị can về các tội xâm hại trẻ em và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

Cơ quan công an cũng ngăn chặn 30.000 trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, lừa đảo, bạo lực độc hại đối với trẻ em cũng như những thông tin trẻ em bị xâm hại tình dục, xúc phạm danh dự nhân phẩm; vô hiệu hóa hàng chục nghìn liên kết có nội dung độc hại vi phạm pháp luật.

Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã ghi nhận 1.500 cuộc gọi can thiệp hỗ trợ, trong đó có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết tỷ lệ phủ sóng Internet tại miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng cao, nhưng trẻ em ở khu vực này chưa được quan tâm bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại trên mạng.

Điển hình là vụ việc gần đây xảy ra ở Lục Ngạn-Bắc Giang, một nữ sinh lớp 7 quen biết và nảy sinh tình cảm với bạn trai qua mạng xã hội, dẫn đến mang thai và tự sinh con trong nhà tắm mà gia đình không hề hay biết.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào cạm bẫy của các nhóm đối tượng tội phạm trên mạng internet. Do vậy, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là việc làm cấp bách.

Bên cạnh đó, nhà trường, gia đình cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục trẻ em trở thành những công dân số. Các em cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng an toàn, biết tự bảo vệ mình trước sự tấn công của tội phạm mạng. Đó là những liều “vaccine số” hữu hiệu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Phối hợp đồng bộ để tạo môi trường an toàn cho trẻ em

Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử.

Thông tư có nêu trách nhiệm bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên trên môi trường mạng là biện pháp quan trọng để phát triển Internet, đồng thời bổ sung các quy định về quản lý mạng xã hội, thời gian sử dụng mạng xã hội của trẻ em, quy định về cảnh báo thông tin độc hại với trẻ em, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trong việc ngăn chặn thông tin độc hại, giám sát, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nêu rõ thời gian qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó phải kể tới Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/5/2020 về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Theo bà Nga, cần tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho trẻ em về an toàn trên mạng để các em có kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình trước các nguy cơ trên mạng. Cơ quan chức năng, trường học và gia đình cần hợp tác để hướng dẫn trẻ em sử dụng internet an toàn và lành mạnh.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN thống nhất thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN năm 2019.

Năm 2021, Việt Nam cũng đã thông qua Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN, trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến. Trong thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan tổ chức chiến dịch, hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng tờ rơi, tài liệu, clip hướng dẫn kỹ năng an toàn trên mạng cho trẻ em.

Những tài liệu này đã được gửi đến các tỉnh, thành phố và đăng tải trên website của Cục Trẻ em, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Theo các chuyên gia, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và cộng đồng để xây dựng một môi trường mạng an toàn cho trẻ em. Các doanh nghiệp công nghệ phát triển công cụ và phần mềm để giám sát, lọc nội dung không phù hợp. Ngoài ra, việc xây dựng sân chơi trực tuyến lành mạnh, sáng tạo cho trẻ em cũng rất quan trọng.

Trong bối cảnh môi trường mạng ngày càng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu và cần đến sự chung tay của toàn xã hội.

Bên cạnh các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, thì mỗi gia đình, nhà trường và xã hội cần tăng cường trang bị kiến thức và kỹ năng “tự vệ” cho trẻ em, giúp trẻ em biết bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay bởi sự phát triển của công nghệ mang lại cho trẻ em cơ hội tiếp nhanh, sớm hơn với internet. Nhưng trẻ em thường chưa đủ các kỹ năng “tự vệ,” có nguy cơ chịu nhiều rủi ro và bị xâm hại nhiều hơn.

Ví dụ như, các em dễ tiết lộ thông tin thuộc bí mật cá nhân và bị sử dụng thông tin đó vào mục đích xấu, dễ bị lôi kéo, kích động để vi phạm pháp luật, bị xâm hại tình dục, bóc lột và lừa đảo qua các trò chơi trực tuyến.

Do đó, để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ trên, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi là rất cần thiết, đó chính là “vaccine số” dành cho “công dân số nhí”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son