Tư tưởng trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự đã chạm đến trái tim của mỗi người Việt Nam.
Đó là quan điểm của ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Báo Thế giới và Việt Nam về những di sản văn hóa mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại.
Tấm gương về đạo đức cách mạng
Góc nhìn của ông về vị trí của Tổng Bí thư trong lòng nhân dân cả nước?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những nhà lãnh đạo nổi bật và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong giai đoạn hiện đại của Đảng. Trong lòng nhân dân, ông được biết đến như một người lãnh đạo kiên quyết, chính trực và có tinh thần tận tâm với sự phát triển của đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành và thực hiện, đặc biệt là trong công cuộc chống tham nhũng tiêu cực. Ông đã góp phần định hướng và thúc đẩy các phong trào cải cách kinh tế, xã hội, chấn hưng văn hóa dân tộc, mang lại sự khởi sắc và niềm tin cho nhân dân.
Thực tế, với người dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lãnh đạo mà còn là một tấm gương về đạo đức, về tinh thần phục vụ đất nước và sự khiêm tốn. Việc ông được kính trọng và yêu mến là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ, lòng trung thành và tình yêu dành cho quê hương, đất nước.
Tại lễ viếng Tổng Bí thư vừa qua, hàng nghìn người đã kiên nhẫn, lặng lẽ chờ đợi và hàng triệu người trên khắp cả nước bày tỏ sự tiếc thương. Nỗi buồn này không chỉ là vì sự mất đi một con người, mà còn vì sự mất mát của một nhà lãnh đạo tận tụy và uy tín… Ông không chỉ được tôn trọng vì các thành tựu chính trị mà còn bởi sự giản dị, gần gũi với nhân dân.
Tôi cho rằng, tình cảm của người dân dành cho Tổng Bí thư là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tin tưởng và ủng hộ của nhân dân đối với lãnh đạo đất nước nói chung, cá nhân ông nói riêng. Trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, tinh thần yêu nước, sự đoàn kết và lòng quyết tâm của người dân càng có ý nghĩa quan trọng.
Với những đóng góp to lớn trong việc lãnh đạo và định hướng cho sự phát triển của Việt Nam, ông đã để lại dấu ấn đậm nét. Tuy nhiên, sau nỗi buồn ấy, có lẽ là trách nhiệm và lòng quyết tâm. Mỗi người dân, mỗi cán bộ, đều cần suy nghĩ về vai trò và nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về những người đang giữ chức vụ cao, mà còn thuộc về từng cá nhân. Mỗi hành động, từ nhỏ đến lớn, đều góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Ông ấn tượng nhất điều gì ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua những lần tiếp xúc?
Dù ít có dịp được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng tôi vẫn cảm nhận được phẩm chất, đạo đức cao đẹp của ông – tiêu biểu của con người Việt Nam. Ở ông luôn có tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm với công việc. Có thể nói, ông đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Bằng tinh thần kiên định, quyết đoán trong thực hiện các chính sách và công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã trở thành thương hiệu của ông. Ông đã đưa đất nước vượt qua nhiều thách thức, nhận được sự tin yêu của toàn Đảng và toàn dân ta.
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…”.
Là người gần dân, trọng dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân, ông luôn lắng nghe và đóng góp nhiều công trình nghiên cứu có giá trị và áp dụng vào công tác lãnh đạo. Đặc biệt, ông là tiêu biểu cho tinh thần đổi mới, bên cạnh kiên định lý tưởng, ông luôn cổ vũ cho những đổi mới và cải cách cần thiết để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, giúp đất nước hội nhập quốc tế thành công và “cất cánh”.
Không riêng gì tôi mà bao người Việt Nam đều cảm thấy xúc động trước hình ảnh của Tổng Bí thư khi ngồi gói bánh chưng cùng gia đình, những dòng thư ông viết cho cô giáo cũ, sự khiêm cung của ông khi về thăm trường cũ… Sự giản dị, chân chất, mộc mạc của ông đã lan tỏa đến mọi người.
Dấu ấn văn hóa
Ông có thể chia sẻ về tầm ảnh hưởng của Tổng Bí thư với lĩnh vực văn hóa thế nào?
Tổng Bí thư là người có tầm ảnh hưởng sâu rộng, mang tính dẫn dắt và định hướng cho lĩnh vực văn hóa. Ông từng chia sẻ: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Ông luôn hướng đến việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng trong công tác lãnh đạo chính trị.
Tình yêu của ông dành cho văn hóa thấm đẫm trong từng chỉ đạo, bài viết, câu nói. Tinh thần “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, hay “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn” thể hiện sâu sắc nhất mong muốn của ông về vai trò dẫn dắt, điều tiết sự phát triển đất nước của văn hóa.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư đã có bài phát biểu, nêu lên nhiều thông điệp và thực sự truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa nước nhà.
Hệ thống quan điểm về phát triển văn hóa và xây dựng con người của Tổng Bí thư đúc kết trong các bài viết, bài phát biểu… được tập hợp trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Những chỉ đạo này không chỉ định hướng cho phát triển văn hóa trong thời gian tới mà còn khẳng định sự quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không chỉ vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là biểu tượng của trí tuệ và kiến thức uyên thâm. Với một nền tảng học thuật vững chắc và kiến thức sâu rộng về lý luận chính trị, văn hóa và lịch sử đất nước, ông đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu có giá trị và đã áp dụng những hiểu biết đó vào công tác lãnh đạo.
Trong khoảng thời gian mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và từ các phương tiện truyền thông mới tác động rất lớn đến đời sống văn hóa ở nước ta, kéo theo nhiều nguy cơ về: Chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, lối sống hưởng thụ, văn hóa ngoại lai lấn át, các giá trị truyền thống bị phai nhạt, thương mại hóa văn hóa văn nghệ quá đà không tính đến lợi ích lâu dài… đã gây xói mòn những giá trị văn hóa dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đạo đức cộng đồng, cá nhân.
Tất cả đòi hỏi một định hướng phát triển văn hóa đúng đắn, rõ ràng để làm hệ điều tiết, dẫn dắt sự phát triển văn hóa cũng như sự phát triển chung của đất nước. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện và vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở những vị trí quan trọng của đất nước thực sự rất có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa nước ta.
Tôi thấy rằng, những tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và truyền thống đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông luôn hướng đến việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng trong công tác lãnh đạo chính trị.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao tầm vóc và giá trị của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Ông thực sự là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam, người đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của đất nước, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội.
Vậy chúng ta cần làm gì để những giá trị và phẩm chất của ông để lại sẽ là nguồn cảm hứng cho các thế hệ tiếp theo?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm sâu sắc đến phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới. Những chỉ đạo quan trọng của ông là nguồn cảm hứng để toàn xã hội quyết tâm chấn hưng, phát triển văn hóa. Tôi nhận thấy, nền tảng giáo dục về văn học của Tổng Bí thư đã trang bị cho ông những kiến thức sâu sắc về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam.
Ở nước ta, cha ông ta vẫn nói rằng “văn dĩ tải đạo”, xét ở một góc độ nào đó có nghĩa là trong văn chương, nghệ thuật luôn chuyên chở những giá trị đạo đức. Chính vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vận dụng tốt những kiến thức và kỹ năng từ nền tảng văn học, hiểu biết sâu sắc về truyền thống dân tộc, những giá trị đạo đức của mình để đưa ra những quyết sách đúng đắn và chiến lược phát triển phù hợp, góp phần quan trọng vào việc định hình và phát triển đất nước.
Sự kết hợp giữa kiến thức văn học và khả năng lãnh đạo đã giúp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có những đóng góp đáng kể vào lịch sử hiện đại của Việt Nam, tạo nên một đất nước với vị thế, uy tín quốc tế đang ngưỡng mộ như ngày nay.
Sự lãnh đạo của Tổng Bí thư đã thể hiện tầm nhìn và quyết tâm trong việc dẫn dắt đất nước vượt qua khó khăn. Sự gương mẫu và tư duy chiến lược từ ông đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong xã hội. Chúng ta cần tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, lòng quyết tâm và sự đồng lòng của toàn dân. Đây chính là chìa khóa để đất nước ta không chỉ vượt qua các thử thách hiện tại mà còn mở ra những cơ hội mới.
Nhìn lại, từ lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua không chỉ là một dịp bày tỏ niềm tiếc thương, mà còn là cơ hội để mỗi người trong chúng ta nhìn lại và suy nghĩ sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với đất nước. Sự ra đi của một lãnh đạo ảnh hưởng lớn đến nhiều khía cạnh của đất nước, từ chính trị, kinh tế, đến xã hội.
Tư tưởng trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân của Tổng Bí thư thực sự đã chạm đến trái tim của mỗi người Việt Nam. Từ đó, mỗi người dân có thêm niềm tin yêu với Đảng, quyết tâm nhiều hơn với công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Xin cảm ơn ông!
Theo: Thế giới và Việt Nam
ConversionConversion EmoticonEmoticon