Đam mê cũng phải có giới hạn!
Khoảng 15h00 ngày 09/11/2024, anh N.C.T đã tự
thực hiện chuyến nhảy dù từ đỉnh đồi Bù 833, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương
Mỹ, thành phố Hà Nội xuống khu vực cánh đồng, khu dân cư xóm Núi Bé. Sau khi
bay lượn được khoảng 2 km, dù mắc lại trên đường điện cao thế 110kV. Tổng Công
ty Điện lực miền Bắc đã phải huy động khoảng 10 cán bộ, nhân viên cùng thiết bị
chuyên dụng từ thành phố Hòa Bình cùng lực lượng công an huyện Chương Mỹ xuống
hiện trường để giải cứu.
Một nhân chứng cho biết, người nhảy dù đã bay cùng dù qua đường
điện, tuy nhiên gió đã thổi phần dù mắc ngược trở vào dây chống sét ở phần cao
nhất của đường điện, cách mặt đất gần 30 m khiến người này lơ lửng giữa hai dây
điện trần.
Đại diện đơn vị quản lý điện lực cho biết đã liên hệ Trung tâm
Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cắt điện. Việc này không ảnh hưởng tới khu
dân cư nhưng làm mất điện một nhà máy xi măng trong khu vực.
Đồi Bù 833 là địa điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động nhảy
dù ở ngoại thành Hà Nội. Tại đây, du khách được phi công hướng dẫn quy trình,
cung cấp đầy đủ phương tiện, đồ bảo hộ.️
Một vụ việc tương tự cũng xảy ra trước đó vào lúc 12h15 ngày
20/10/2024, một người đàn ông tên H. đã nhảy dù từ ngọn đồi cao 650 m tại xã
Quang Tiến, thành phố Hòa Bình. Khi chuẩn bị tiếp đất, dù mắc vào đường dây
điện 35kV khiến người này treo lơ lửng cách mặt đất khoảng 20 m, gây sự cố làm
mất điện đường dây 371 và 373 T/C Gò Rọi.
Quá trình làm việc, anh H. cho biết không tham gia câu lạc bộ
nào về nhảy dù lượn nhưng do biết chơi nên nghe tin tại xã Quang Tiến có điểm
nhảy thì tự ý "nuông chiều bản thân", và chưa nắm rõ các quy định
pháp luật.
Theo đại diện địa phương, vị trí đồi cao mà vận động viên nhảy
dù thực hiện chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Theo lộ trình đường bay ban
đầu đơn vị đang xin cấp phép sẽ cắt ngang qua đường cao tốc Hòa Bình - Hòa Lạc
và đường điện cao thế. Do tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao nên đường bay
không được chấp thuận.
Điều 8, Chương III, Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12
năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch nêu rõ: bay dù lượn,
khinh khí cầu; nhảy dù; đu dây mạo hiểm hành trình trên cao là các sản phẩm du
lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch. Do đó, khi
cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh loại hình này cần phải đảm bảo các quy định của
pháp luật.
Với câu chuyện ở tỉnh Hòa Bình, hành vi cung cấp dịch vụ, trực
tiếp sử dụng dù lượn (kể cả đủ điều kiện an toàn bay) rồi vướng vào đường dây
điện quốc gia đã vi phạm nghiêm trọng Khoản 3, Điều 4, Chương I Nghị định
14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật
Điện lực về an toàn điện (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 51/2020/NĐ-CP ngày 21
tháng 4 năm 2020).
Như vậy, sự ích kỷ trong nếp nghĩ của một số người khi cho rằng
chỉ cần đam mê, có chút kiến thức về vận hành dù bay an toàn, cứu nạn cứu hộ xử
lý tình huống khi gặp sự cố, có sức khỏe tốt, không sợ độ cao… thì có thể
thực hiện thú chơi dù lượn là rất đáng lên án, bởi nó hoàn toàn có thể dẫn tới
những hậu quả đáng tiếc.
Một khi xảy ra sự cố, cái giá phải trả cho sự đam mê chinh phục
bầu trời, tự do bay lượn giữa không trung quả thực là đắt, thiệt hại nặng nề về
kinh tế, thậm chí đánh đổi bằng chính sinh mạng.
Ghi nhận gần đây tại một số địa phương còn xảy ra tình trạng xây
dựng nhà ở, công trình nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; vận
hành các phương tiện cơ giới máy xúc, cần cẩu… thi công công trình gần lưới
điện cao áp; thả diều, vật bay hoặc việc ném bắn các vật vào lưới điện cao áp… có
nguy cơ cao gây sự cố mất an toàn cho người và thiết bị công trình, ảnh hưởng
đến việc cung cấp điện liên tục và ổn định.
Có những hành vi/nhóm hành vi trong cuộc sống xã hội pháp luật
không cấm nhưng đã là công dân thì ai cũng có nghĩa vụ, trách nhiệm phải tự chủ
động tìm hiểu, chấp hành nghiêm luật pháp, bảo vệ an toàn cho chính bản thân và
đỡ gây phiền hà, tốn kém cho xã hội.
Vậy nên, người bay dù lượn cũng cần biết sức mạnh ghê gớm của
dòng điện!!!
ConversionConversion EmoticonEmoticon