Tổng số lượt xem trang

Ngăn chặn, đẩy lùi bệnh “sợ trách nhiệm”

     Thực chất bệnh “sợ trách nhiệm”

Thực tế cho thấy, bệnh “sợ trách nhiệm”, không dám làm đang hiện hữu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực, khiến nhiều việc bị trì trệ, ách tắc, nhiều nguồn lực của đất nước không được khơi dậy và phát huy, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội.

Bệnh “sợ trách nhiệm” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ lúc sinh thời. Trong di sản tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến căn nguyên của căn bệnh “sợ trách nhiệm” một cách rất cụ thể: “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm” (1). Theo Bác, những người mắc bệnh “sợ trách nhiệm” là những người muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng.

“Ngại khó, bàn lùi” đồng nghĩa với không muốn làm, không muốn tiến hành công việc vì sợ khó. Điều này tất yếu gây ra những lãng phí về cơ hội, các nguồn lực con người và xã hội, tiền của, thời gian, tài nguyên đất nước. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu tăng trưởng, đời sống của người dân, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng như kỷ luật, kỷ cương hành chính. “Căn bệnh” này nếu không được “điều trị” dứt điểm sẽ tạo ra rào cản cho sự phát triển và cũng làm giảm niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước, hậu quả mà nó gây ra khó có thể đong đếm được.

Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã xử lý nhiều cán bộ sai phạm khiến một số người có tâm lý sợ sai, không dám quyết, không dám làm. Hay đây là hệ quả từ việc chúng ta bổ nhiệm những cán bộ, lãnh đạo quản lý thiếu chuyên môn, năng lực và sở trường cho nên họ không có đủ kiến thức cũng như bản lĩnh để có thể đảm đương được những công việc được giao. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách pháp luật của chúng ta chưa đủ mạnh để thay thế, buộc từ chức đối với những cán bộ thiếu bản lĩnh và sợ trách nhiệm.

Song, những cán bộ có tư tưởng bàn lùi chưa hẳn đã do năng lực chuyên môn yếu kém mà có thể còn do đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có người đã chót “nhúng chàm” nên ẩn mình, phòng thủ, sợ bị phát hiện. Với tâm lý “làm ít thì sai ít, không làm thì không sai”, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa, nên khi có vụ việc khó, phức tạp, nhạy cảm cần phải giải quyết, cái cớ cho việc thoái thác và đùn đẩy trách nhiệm là không nằm trong thẩm quyền để đẩy qua đơn vị khác; người khác cũng có lý do để nói không thuộc trách nhiệm của mình. Điều đáng nói là dường như ai cũng có lý do để “đá” quả bóng trách nhiệm thật nhanh về phía người khác. Lại có một số cán bộ, công chức nghĩ “chuyện quốc gia đại sự” là chuyện của lãnh đạo, để cho lãnh đạo giải quyết. Còn lãnh đạo thì nghĩ đó là chuyện của lãnh đạo cấp cao hơn. Thay vì hành động thực tế thì người ta càng dè dặt, dè dặt đến nỗi cuối cùng chẳng ai có động thái gì.


Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi bệnh “sợ trách nhiệm”. (Hình minh họa).

Biểu hiện rõ nhất ở đối tượng này là họ luôn mang trong mình tư tưởng “kén cá chọn canh”, “tranh công đổ lỗi”, “khi vui thì vỗ tay vào” nhưng đến khi gặp việc khó thì luồn, lẩn. Họ viện dẫn đủ lý do để thoái thác, từ chối đến nơi gian khổ, khó khăn vì ít bổng lộc. Họ khéo “đá” trách nhiệm cho cấp trên, cho các cơ quan, đơn vị khác hoặc cho người khác.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ hiện tượng này. Đó là những biểu hiện như: Kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Việc này thường được che đậy kỹ lưỡng và khéo léo dưới nhiều vỏ bọc khác nhau.

Thực chất của căn bệnh này là sợ liên lụy, sợ bị quy trách nhiệm, sợ bị thua thiệt, sợ bị động chạm đến lợi ích cá nhân. Đó trước hết phản bội lại lời hứa của người đảng viên khi mà họ tuyên thệ trước khi kết nạp vào Đảng, phản bội lại lời hứa của người lãnh đạo, của người quản lý khi họ tuyên thệ nhậm chức. Đó còn là biểu hiện của “tự diễn biến mới”, là quá trình tự biến đổi từ bên trong, cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực; làm thui chột dần các chuẩn mực của người cán bộ cách mạng. Nếu không được ngăn chặn, triệt tiêu kịp thời, những cán bộ, đảng viên này sẽ trở thành “suy thoái”. Nghiêm trọng hơn, đó là mảnh đất màu mỡ cho các thế lực thù địch, phản động khai thác, chuyển hóa, triệt để lợi dụng và trở thành những phần tử chống đối Đảng, chống đối Nhà nước và Nhân dân.

Căn bệnh “sợ sai, sợ trách nhiệm” được bộc lộ cụ thể với 3 cấp độ. Ở mức độ thấp, mức độ phổ biến, “sợ sai, sợ trách nhiệm” biểu hiện trong suy nghĩ, trong hành động, trong đấu tranh phê bình và tự phê bình. Họ chỉ muốn yên thân, nhàn thân, lợi thân, bàng quan, thờ ơ, tư tưởng trung bình chủ nghĩa, không cần chí tiến thủ. Trong hành động, những người này thấy cái gì có lợi cho mình thì mới làm, làm việc cầm chừng, làm lấy lệ, làm cho xong việc. Đó còn là sự rụt rè, do dự, dễ làm, khó bỏ. Trong đấu tranh phê bình và tự phê bình, đó là “dĩ hòa” đã bộc lộ rõ sự tính toán thiệt hơn, cơ hội, vụ lợi. Biểu hiện là: Sợ bị gán trách nhiệm, dẫn đến né tránh, đùn đẩy, thiếu quyết đoán, co cụm, phòng thủ, che chắn... Họ không dám nghĩ, không dám làm, không dám tham mưu, không dám đề xuất, không dám triển khai và chỉ đạo công việc. Đối tượng thuộc nhóm này là những cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người có chức, có quyền. Ở mức độ nguy hiểm, “sợ trách nhiệm” đã trở thành tráo trở, trì trệ. Họ “đóng băng” mọi việc, bất chấp việc đó có tác động, ảnh hưởng lớn đối với xã hội. “Đối tượng thuộc nhóm này là những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, bị “tự diễn biến” và cơ bản là những cán bộ giữ chức quyền cao, có phạm vi lãnh đạo, quản lý rộng. Mà chúng ta biết rằng lãnh đạo càng cao, phạm vi quản lý càng rộng thì mức độ nó sẽ càng nguy hiểm.

Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi bệnh “sợ trách nhiệm”

Ngăn chặn, đẩy lùi bệnh “sợ trách nhiệm” và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là hai mặt “xây và chống” của một quá trình, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao nhất và những giải pháp đồng bộ, quyết liệt đang được Đảng, Nhà nước triển khai, thực hiện.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, nhằm khơi dậy, phát huy cao nhất ý thức, trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” (2).

Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương gồm có 61 đảng bộ trực thuộc với hơn tám vạn đảng viên đang công tác tại các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương. Cán bộ, công chức, người lao động của các ban, bộ, ngành, đoàn thể trong Đảng bộ Khối cơ bản có trình độ cao, tương đối đồng đều, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lý tưởng cách mạng và mong muốn cống hiến để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều cán bộ, đảng viên tiêu biểu, nhiệt huyết, trách nhiệm vẫn còn một số cán bộ, đảng viên mắc bệnh “sợ khó, sợ trách nhiệm”, không dám đương đầu với khó khăn thử thách, không dám đấu tranh vì lợi ích chung… Chính vì vậy, để lãnh đạo các tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối trong sạch, vững mạnh, Đảng ủy Khối nhất thiết phải quan tâm đến việc ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện của bệnh “sợ trách nhiệm”. Cụ thể, Đảng ủy Khối cần quan tâm, lãnh đạo thực hiện đồng bộ, triệt để một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ. Cần đẩy mạnh việc kiểm tra, chấn chỉnh để thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức. Cùng với đó, phải thay đổi và xóa bỏ nhận thức của một số cán bộ, công chức là “không làm thì không sai”. Vì vậy, cần khơi dậy lòng tự trọng, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức.

Thứ hai, đấu tranh, loại bỏ tư tưởng “bàn lùi” trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ lãnh đạo, quản lý e ngại, sợ trách nhiệm, nhất là người ngụy biện về việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển của cơ quan, của tổ chức và lớn hơn là của đất nước. Về lâu dài, cần thực hiện thi để chọn vào bộ máy những người có đức, có tài, có tinh thần phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế để bảo vệ cán bộ có tư duy sáng tạo, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm và cần cá thể hóa trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và người làm công tác tham mưu sửa đổi, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách thuận lợi, tạo động lực để mỗi cá nhân vừa cống hiến, xây dựng tập thể vừa đáp ứng mục tiêu cá nhân. Để hạn chế chủ nghĩa cá nhân trong thực thi công vụ; để không còn hiện tượng cán bộ thoái thác nhiệm vụ khi được tổ chức Đảng điều động đến công tác ở nơi khó khăn, gian khổ, nơi ít lợi ích; để không còn cán bộ, công chức “né”, “đá” trách nhiệm thì vấn đề quan trọng là việc thiết kế, kiến tạo cơ chế linh hoạt.

Trước hết, trong quá trình tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm “đầu vào” cán bộ, công chức, người lao động ở tất cả các cấp, các ngành cần kỹ càng về nhân sự thông qua thi tuyển công khai, khách quan. Trong quá trình sử dụng lao động thì mấu chốt là mở rộng dân chủ, đánh giá đúng năng lực cán bộ, công chức, viên chức; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động cống hiến; lựa chọn cán bộ, công chức có tố chất, khả năng để bổ nhiệm, đào tạo nâng cao trình độ. Các giải pháp ngăn chặn hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy uy tín, tạo lập uy tín bằng mọi cách.... phải được thực hiện quyết liệt, khách quan, công bằng và chặt chẽ, nhằm loại bỏ khỏi bộ máy cơ quan, đơn vị những người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Thứ tư, thực hiện tốt phương châm “Ai không làm thì đứng sang một bên”. Trước thực trạng căn bệnh “sợ trách nhiệm”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Ai không làm thì đứng sang một bên”. Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng ta tiến hành hết sức quyết liệt; qua đó, loại bỏ được một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng những chủ trương đúng đắn, kịp thời, nhân văn của cấp ủy các cấp, chính quyền sẽ là “liều thuốc đặc trị” căn bệnh “sợ trách nhiệm”. Đặc biệt sắp tới đây, việc chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp chính là điều kiện và cơ hội rất tốt để rà soát, sàng lọc đội ngũ cán bộ, lựa chọn những người xứng đáng nhất, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để để đảm đương công việc mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó./.

 

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son