Vận dụng, phát triển sáng tạo
tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông
Sáng 8/11, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức
Hội thảo khoa học với chủ đề “Quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu,
vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí -
truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn
Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Thời gian
qua, theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
nền báo chí - truyền thông Việt Nam đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt,
luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, có những
đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc của Việt Nam.
Trong đó, báo chí đã làm tốt nhiệm vụ “tuyên
truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến
mục đích chung” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều cơ quan báo
chí, nhiều cán bộ, nhà báo, phóng viên xuất sắc, tâm huyết với nghề, luôn trau
dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, không quản
ngại khó khăn, gian khổ, luôn kịp thời có mặt ở những nơi người dân có tâm tư, nguyện
vọng cần phản ánh, đi sâu đi sát vào thực tiễn đời sống, bởi “báo chí của ta
cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội... để tuyên truyền
giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”, góp phần làm rạng danh
nền báo chí - truyền thông nước nhà, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, niềm tin sắt
son của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, người dân ngày càng gửi
gắm niềm tin yêu vào nền báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đặc biệt, tầm quan trọng của việc nghiên cứu,
vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí -
truyền thông ngày càng được nhìn nhận một cách đầy đủ, sâu sắc hơn trong hệ
thống các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí - truyền thông, cơ sở đào tạo,
nghiên cứu báo chí - truyền thông trên cả nước, là nhân tố quan trọng quyết
định đến những thắng lợi rực rỡ của nền báo chí - truyền thông nước nhà thời
gian qua.
Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi cũng
chỉ ra báo chí - truyền thông ở nước ta đang đối mặt với nhiều thử thách, khó
khăn xuất phát từ những biến động phức tạp của tình hình thế giới và trong
nước, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mặt trận tư
tưởng, cũng như bản thân những tồn tại, hạn chế trong nội tại hoạt động của nền
báo chí - truyền thông Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, cuộc cách mạng khoa học -
công nghệ 4.0 với trọng tâm là chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi căn bản,
toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông, mở ra cơ hội phát triển chưa từng
có cho những người làm báo, nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít áp lực, thách
thức to lớn nếu như các cơ quan báo chí - truyền thông không có tư duy đổi mới,
không có sự chuẩn bị thật tốt để bắt kịp xu hướng làm báo của thời đại ngày
nay.
"Trong bối cảnh “chuyển mình” như vậy, báo chí - truyền thông cách mạng vẫn luôn phải ý thức về sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của mình, phải giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”, “những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc”. Do đó, việc tìm ra những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển báo chí - truyền thông ở nước ta để phù hợp với bối cảnh và điều kiện hiện nay, là vấn đề có tính cấp bách", Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi nói.
Phát biểu đề dẫn, Phó
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học
viện Báo chí và Tuyên truyền một lần nữa khẳng định, bản thân Chủ tịch Hồ Chí
Minh cũng là một nhà báo xuất sắc trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, vì vậy,
tư tưởng của Người là sự đúc kết chắc chắn giữa lý luận và thực tiễn, gắn bó
mật thiết với những yêu cầu của cách mạng Việt Nam.
Tuy nhiên, bối cảnh mới
của tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra rất nhiều thách thức mới cho nền
báo chí - truyền thông của Việt Nam hiện nay. Một bộ phận những người làm báo
chí - truyền thông cũng như một số cơ quan báo chí - truyền thông có biểu hiện
xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp
luật, chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Do đó, cần
phải khẳng định những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách
mạng là bất biến và tiếp tục là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của báo chí -
truyền thông trong nước, nhưng cần phải được hiểu, vận dụng và phát triển một
cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay; đồng thời bổ sung,
hoàn chỉnh hệ thống lý luận về phát triển báo chí - truyền thông trong thời kỳ
mới cũng như hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước về phát triển báo chí - truyền thông đến năm 2030, định hướng đến
năm 2045.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học trao đổi, thảo
luận xung quanh các vấn đề: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà
nước đối với việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí
Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam thời kỳ mới; nghiên cứu,
vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí -
truyền thông Việt Nam thời kỳ mới gắn với các mục tiêu, tầm nhìn và định hướng
chiến lược về phát triển đất nước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; đồng
thời đề ra các nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp
luật của Đảng và Nhà nước trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam theo
tư tưởng Hồ Chí Minh thời kỳ mới./.
Nguồn: st
ConversionConversion EmoticonEmoticon