Nhận diện thủ đoạn "Diễn biến hòa bình" - Thông tin xấu độc "xuyên biên giới"
"Diễn biến hòa bình" được biết đến từ thập niên 20 của thế kỷ XX, khi chủ nghĩa đế quốc sử dụng “Diễn biến hòa bình” để chống phá các nước đối địch. Ở Việt Nam, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đặc biệt coi trọng việc phá hoại tư tưởng, coi đó là mũi nhọn, là con đường ngắn nhất dẫn tới sự xói mòn về niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, một trong những phương thức hoạt động "diễn biến hòa bình" được các thế lực thù địch tiến hành đối với Việt Nam là lợi dụng triệt để mạng Internet để tiến hành chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, truyền bá các quan điểm sai trái, “đánh tráo khái niệm”; tung tin xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Có thể nhận diện thông tin xấu độc là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch, kích động. 
Theo nghiên cứu, một trong những mục đích chính chiếm tỷ lệ hàng đầu của việc sử dụng mạng xã hội là tìm kiếm thông tin. “Cơn khát” thông tin khiến người dùng mạng xã hội bất chấp chia sẻ mọi thông tin, sự kiện “nóng” được “giật tít” để thu hút sự quan tâm của xã hội mà hoàn toàn không cần kiểm chứng nguồn thông tin, trở thành “quân cờ” bị các thế lực thù địch lợi dụng triệt để nhằm phát tán thông tin xấu độc.
Thông tin mà các thế lực thù địch gieo rắc thường có một phần thông tin đúng để dễ lấy lòng tin của mọi người, sau đó bẻ lái, dẫn dụ đến những nội dung xuyên tạc, bịa đặt theo chủ đích đen tối của chúng. Điển hình, vào ngày 07/10/2023, Trụ sở Agribank tại số 18 Trần Hữu Dực tổ chức huấn luyện nghiệp vụ và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2023. Các thông tin về buổi diễn tập PCCC của Agribank được công khai, minh bạch trên website Agribank và xuất hiện trực tiếp trên hệ thống băng rôn tại vị trí nổi bật, dễ nhận biết trước cổng trụ sở. Tuy nhiên, cùng ngày, một số video quay lại quá trình diễn tập được cắt ghép với tiêu đề “Cháy ngân hàng Agribank ở Hà Nội, chưa thống kê được thiệt hại” xuất hiện trên nền tảng Tiktok, nhanh chóng lan truyền và thu hút rất nhiều sự quan tâm, bình luận của cộng đồng mạng. Những chùm bài viết quy chụp về “Cháy ngân hàng Agribank chưa rõ thiệt hại”, “Cháy trụ sở Agribank” được chia sẻ rộng rãi, liên tục xuất hiện trên các nền tảng khác như Facebook, Youtube, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh và thương hiệu Agribank. Khi thông tin sai sự thật về Agribank bị phát tán, đội ngũ cán bộ Agribank ngay lập tức vào cuộc trở thành những “chiến sĩ truyền thông” tích cực đăng tải bình luận thông tin về buổi huấn luyện nghiệp vụ và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ dẫn nguồn tin từ website Agribank để định hướng dư luận, đồng thời tích cực báo cáo hệ thống quản lý các nền tảng để phản bác các thông tin xuyên tạc sai sự thật về Agribank.
Theo Bộ TT&TT, các nền tảng xuyên biên giới là nơi phát tán nhiều nhất tin giả, thông tin xấu độc chống phá Đảng và Nhà nước, đặc biệt trên 3 nền tảng Facebook, TikTok, Youtube. Thống kê trong báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội, tại Việt Nam, thời điểm đầu năm 2024, có 78,44 triệu người dùng internet ở Việt Nam (chiếm 79,1% dân số). 92,7% trong tổng số người dùng Internet tại Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng truyền thông xã hội trong đó TikTok có 67,72 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam, Facebook có 72,70 triệu người dùng, YouTube có 63,00 triệu người dùng. Với nền tảng Tiktok, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chỉ ra hàng loạt các vi phạm của TikTok khi nền tảng này tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. “Từ năm 2022 đến nay, nền tảng TikTok có nhiều nội dung chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật. TikTok còn sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động tạo ra xu hướng (trend) độc hại, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, người dùng.”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Cùng với các âm mưu tung tin xuyên tạc của các thế lực thù địch, hiện nay, những đối tượng xấu cũng chĩa mục tiêu vào người dân để lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, gây thiệt hại về kinh tế, làm suy giảm niềm tin của người dân về đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Theo thống kê, mỗi năm có hơn một nghìn Fanpage giả mạo Agribank hỗ trợ cho vay tiêu dùng, hàng trăm tài khoản Tik tok giả mạo Chi nhánh và cán bộ Agribank phê duyệt cho vay nhanh trên mạng xã hội. Đầu năm 2024 xuất hiện thêm hình thức giả mạo Fanpage tuyển dụng Agribank tại các vị trí hấp dẫn liên tục kêu gọi mọi người ứng tuyển, giao diện trang truy cập vô cùng quen mắt khiến nhiều người không xác nhận thông tin rõ ràng đã quen tay đăng ký và trở thành nạn nhân của chiêu trò "lừa đảo tuyển dụng". Khi khách hàng quan tâm liên hệ ứng tuyển hoặc gửi email phản hồi sẽ được kết nối trao đổi trực tiếp qua inbox Facebook, Zalo hoặc một trang Google Sheets, đường link giả mạo thu thập thông tin của ứng viên. Ngoài ra, kẻ mạo danh "tuyển dụng Agribank" còn yêu cầu ứng viên tham gia vào nhiều hội, nhóm chat trên nền tảng Telegram để thực hiện phỏng vấn trực tuyến. Hàng loạt kịch bản hối thúc nộp lệ phí đã được chuẩn bị sẵn để đẩy nhanh quá trình tuyển dụng, "người được trúng tuyển" cần nhanh chóng nộp tiền để được hỗ trợ đi làm sớm nhất. Đối tượng xấu lợi dụng uy tín, thương hiệu của Agribank là một ngân hàng lớn, lấy danh nghĩa “Agribank tuyển dụng” để thực hiện hành vi trục lợi khiến người dân không chỉ mất tiền mà còn tự động cung cấp thông tin dẫn đến nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân, hoặc liên quan đến những vụ việc lừa đảo khác nghiêm trọng hơn. Những chiêu trò được các thế lực thù địch sử dụng mới về hình thức nhưng giống nhau về bản chất là lợi dụng lòng tin của người dân, gây ảnh hưởng đến “lợi ích nhóm”, hạ bệ uy tín của các thương hiệu, tổ chức. Khi niềm tin được đặt làm tiền đề sẽ dễ dàng gây hoài nghi, dao động, tạo nên những cuộc khủng hoảng về tinh thần, trạng thái tiêu cực, chống đối trong lòng dân, gây bất ổn về an ninh chính trị.
Những dòng chảy thông tin xấu, độc liên tục, xuyên suốt trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới dần dần tác động, tiêm nhiễm những người thiếu bản lĩnh như một chất xúc tác, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chống lại những giá trị cốt lõi trong nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công kích, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.

 

 
Không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” của quốc gia
Không gian mạng đã trở thành một vùng lãnh thổ ‘đặc biệt” bên cạnh đất liền, vùng biển, vùng trời của quốc gia. Có thể nói không có cộng đồng nào ở Việt Nam có số lượng thành viên đông, đa dạng, có tầm ảnh hưởng và có khả năng định hướng dư luận hiệu quả và nhanh chóng như cộng đồng “cư dân mạng”. Mạng internet là trận địa chính của công tác tuyên truyền tư tưởng tại vùng “lãnh thổ đặc biệt” này. Nhận diện âm mưu, loại bỏ thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng được xác định là cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ nền tảng của Đảng; là vấn đề mang tính cấp thiết, nhiệm vụ của hệ thống chính trị, ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội. 
Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Tiktok, Youtube không thuộc sự quản lý của các cơ quan Nhà nước Việt Nam nên có nhiều chính sách, cơ chế kiểm duyệt lỏng lẻo, vấn đề bản quyền không được đề cao, “tạo điều kiện” thích hợp để trở thành kênh truyền thông chống phá “hiệu quả” của các đối tượng thù địch. Lợi dụng các nền tảng mạng xã hội có đặc tính ảo, dễ ẩn danh, tốc độ truyền tải, tìm kiếm thông tin nhanh, lưu trữ lượng thông tin khổng lồ; tính liên kết cộng đồng không biên giới, tính đa phương tiện, tương tác rất cao, hàng loạt chiến dịch tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chia rẽ nội bộ, kích động bạo loạn, gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội có đầu tư và quy mô được triển khai.  
Các nền tảng xuyên biên giới hoạt động trên “vùng lãnh thổ” của Việt Nam nhưng lại dung túng cho những thế lực xấu dù ở vị trí địa lý cách xa Việt Nam hàng vạn cây số nhưng vẫn diễn vai “người trong nội bộ” ngụy tạo những câu chuyện hoang đường, gia tăng những hoạt động chống đối, phá hoại chính trị, tư tưởng gây mất ổn định an ninh tư tưởng trên không gian mạng. Những kẻ nhân danh “lòng yêu nước” lại đang xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền vùng “lãnh thổ đặc biệt” của Việt Nam.
 

 

Thiết lập ranh giới trên các nền tảng xuyên biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ 
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng là mặt trận không tiếng súng nhưng quyết liệt, phức tạp và lâu dài, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.
Về phía Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao để đấu tranh, buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, duy trì tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc, thông tin vi phạm pháp luật ở mức cao; khóa hoạt động các tài khoản, hội nhóm, trang, kênh nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới. Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT, Bộ TT&TT nhấn mạnh các nền tảng xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam nếu không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì sẽ không được chào đón, không được tạo điều kiện hoạt động ở Việt Nam. Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới cần được đưa vào khuôn khổ pháp lý, ranh giới cần được thiết lập chặt chẽ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên không gian mạng.
Với cương vị là một tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương với trên 23.000 đảng viên, Đảng ủy Agribank xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, trước tiên, trực tiếp, toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt hoạt động của Agribank. Quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”, Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Đảng ủy Agribank đã thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 35); Cử cán bộ đảng viên được giao nhiệm vụ tham gia buổi tập huấn do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức. Ban chỉ đạo 35 là cầu nối truyền tải nhanh chóng, kịp thời, sát sao các chỉ đạo của Ban chỉ đạo 35 Trung ương đến các cơ sở, phát huy vai trò trong chỉ đạo các cấp ủy đảng, đơn vị, tổ chức chính trị- xã hội Công đoàn, Đoàn Thanh niên và toàn thể cán bộ đảng viên, đoàn viên, người lao động Agribank không ngừng nâng cao nhận thức, tích cực, chủ động tham gia đấu tranh ngăn chặn thông tin sai lệch, xấu độc, đặc biệt trên các nền tảng mạng xuyên biên giới, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ ở cơ quan, đơn vị, qua đó bảo vệ hình ảnh, thương hiệu, uy tín Agribank, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh thông tin, an ninh kinh tế, an ninh tiền tệ quốc gia, cùng hệ thống chính trị bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trên tinh thần chủ động, nhạy bén trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, 02 trang Fanpage chính thức của Agribank trên nền tảng Facebook: Fanpage Agribank; Fanpage Tuổi trẻ Agribank truyền thông về hoạt động, quảng bá sản phẩm dịch vụ, thương hiệu, lan tỏa văn hóa Agribank cùng với hơn 100 Fanpage tại chi nhánh mang thương hiệu Agribank đã được thiết lập từ năm 2019 đến nay để phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng bằng thông tin chính thống giúp cộng đồng mạng nâng cao nhận thức, đủ sức "đề kháng" trước các quan điểm sai trái, thù địch. Quan điểm sai trái, thù địch chỉ có thể áp đảo khi là nguồn thông tin duy nhất, một chiều, không có đối chứng và so sánh để tạo ra quá trình nghi ngờ, trì hoãn tiếp nhận thông tin. Agribank “phủ xanh” thông tin tích cực, định hướng dư luận, tạo thế chủ động truyền thông khi huy động các tài khoản cá nhân của cán bộ Agribank và các trang thông tin của 177 đơn vị chi nhánh đăng tải, chia sẻ những thông tin “Agribank Tốt hơn mỗi ngày”, “Agribank triển khai các hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng”, “Agribank ngăn chặn lừa đảo”, “Agribank cảnh báo”; đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền, lựa chọn đúng nội dung và luôn có những thông tin mới trong tuyên truyền, tăng cường thông tin đối ngoại để lấn át, đẩy lùi thông tin xấu, độc. Chỉ tính riêng 02 Fanpage chính thức của Agribank trong năm 2024, đến tháng 9, các bài đăng, thông tin đã tiếp cận 30,4 triệu người dùng và nhận được 1,343 triệu lượt chia sẻ, tương tác tích cực.

 

Tổ chức đảng và đảng viên là những người đưa Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị vào cuộc sống, vào thực tiễn đấu tranh tư tưởng, trực tiếp tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng, xây dựng nhận thức đúng đắn cho mình và cho quần chúng về nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng. Đảng bộ Agribank thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đồng thời đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông nội bộ nhất là trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò gương mẫu, nói đi đôi với làm của từng cấp ủy viên và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng của toàn hệ thống trong việc xây dựng, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, lối sống; thực hiện nghiêm túc nội quy lao động, văn hóa doanh nghiệp, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực “vừa hồng”, “vừa chuyên” gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trau dồi đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ... Chú trọng giáo dục cho cán bộ, đảng viên và người lao động hiểu rõ rằng, hiệu quả hoạt động kinh doanh là cốt lõi, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Agribank nhưng không vì chạy đua với lợi nhuận mà làm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nêu rõ: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ cán bộ, đảng viên về mặt chính trị; bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội… để xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ”. 
 
Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị, đường lối, quan điểm của Đảng, giữ gìn sự thống nhất ý chí hành động và sự đoàn kết trong Đảng; đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là hạt nhân chính trị trực tiếp lãnh đạo tổ chức thực hiện Điều lệ Đảng, các Chỉ thị, Nghị quyết, quy định, quyết định của Đảng, Chính phủ, NHNN và Đảng ủy Khối DNTW; trên cơ sở nội dung của từng nghị quyết, cấp ủy các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện”. Mỗi cán bộ Agribank tham gia nền tảng mạng xã hội là một chiến sĩ truyền thông có nhận thức đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cảnh giác và kiên quyết vạch trần những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực, thành phần thù địch, phản động; không để bị động, bất ngờ, hoang mang, dao động trước sự tấn công trên mặt trận chính trị, tư tưởng; bình tĩnh xem xét, phân tích và nhận rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; trở thành những chủ thể mạnh mẽ, vững chắc làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch. Các nền tảng mạng xã hội đều có cơ chế tiếp nhận phản ánh của người dân, mỗi “chiến sĩ truyền thông” đều có trách nhiệm “tuần tra”, tự rà quét, tự gỡ bỏ và kêu gọi cộng đồng báo cáo, gỡ bỏ các nội dung vi phạm, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, nếu mỗi cán bộ, đảng viên có sử dụng smartphone, hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội, mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau một bài viết hay, 1 tấm gương việc tốt, viết 1 comment tích cực hay tìm kiếm thông tin tốt đẹp có nghĩa đã góp phần làm cho công tác tư tưởng thêm tích cực.

 

Cùng với đó, Agribank chủ trương chú trọng đầu tư trang thiết bị công nghệ giúp giám sát thông tin trên không gian mạng một cách tự động, toàn diện để kịp thời phát hiện nguồn phát tán hình ảnh, thông tin giả, sai sự thật nhằm hạ bệ uy tín, thương hiệu Agribank, thể hiện luận điệu và hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên các nền tảng xã hội xuyên biên giới. Chủ động tổng hợp, báo cáo, tố giác, phối hợp cùng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đấu tranh, vô hiệu hóa và yêu cầu các nền tảng gỡ bỏ tài khoản, bài viết, video có nội dung xấu độc, “chặn đứng” tin đồn, tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận.

“Cuộc chiến” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay là cuộc chiến hết sức cam go, tốn nhiều thời gian, công sức và trí tuệ. Đặc biệt, trên không gian mạng còn là “cuộc chiến” bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, gắn liền lợi ích quốc gia, dân tộc. Với cán bộ, đảng viên, đây chính là nhiệm vụ sống còn, cần vững vàng về lập trường, quan điểm; vững chắc về lý luận; am tường về thực tiễn; nhạy bén trong đánh giá, nhận định tình hình; đồng thời nhiệt huyết, gương mẫu trong thực hiện trách nhiệm của bản thân đối với Đảng, bảo vệ hình ảnh thương hiệu, uy tín Agribank trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu nặng./.