(ĐCSVN) - "Cách mạng màu" là các cuộc lật đổ chế độ hiện tại bằng phương thức bất bạo động, có sự kết hợp giữa những kẻ chủ mưu trong nước và thế lực bên ngoài. “Cách mạng màu” đã và đang diễn ra trên thế giới và là một trong những phương thức bạo loạn, lật đổ công phu và tinh vi của các thế lực thù địch.
Nhận diện âm mưu, lợi dụng điểm nóng nhằm gây ra những nguy cơ “cách mạng màu” tại Việt Nam
LTS: “Cách mạng màu” đã và đang đã diễn ra ở một số nước trên thế giới gây ra bất ổn chính trị kéo dài, ly khai dân tộc nhằm tìm mọi cách thay thế chính quyền hiện tại. Đây là một trong những phương thức bạo loạn và tinh vi của các thế lực thù địch nhằm lật đổ thay thế chính quyền hiện tại. “Cách mạng màu” không chỉ đe dọa đến sự ổn định chính trị mà còn có thể kéo lùi quá trình phát triển của một quốc gia. Hiểu rõ về bản chất và cách phòng ngừa “cách mạng màu” là một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh biến động hiện nay.
Việc lợi dụng những vụ việc, điểm nóng nhằm kích động gây ra những nguy cơ “cách mạng màu” tại Việt Nam như một ngọn lửa cháy âm ỉ trong đời sống chính trị - xã hội Việt Nam. Âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng “cách mạng màu” tác động trực tiếp và gián tiếp đến các lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, văn hoá ở nước ta... Vì vậy, cần thiết phải nhận diện, đấu tranh và đập tan các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng những vụ việc, điểm nóng gây ra nguy cơ “cách mạng màu” diễn ra ở Việt Nam.
Bài 1: Nhận diện bản chất, phương thức, chiến thuật và hậu quả “cách mạng màu”
(ĐCSVN) - "Cách mạng màu" là các cuộc lật đổ chế độ hiện tại bằng phương thức bất bạo động, có sự kết hợp giữa những kẻ chủ mưu trong nước và thế lực bên ngoài. “Cách mạng màu” đã và đang diễn ra trên thế giới, và là một trong những phương thức bạo loạn, lật đổ công phu và tinh vi của các thế lực thù địch.
Trong lịch sử chính trị thế giới, “cách mạng màu” thường gắn liền với những biến động chính trị lớn ở các quốc gia. Dưới chiếc vỏ là “cách mạng hòa bình” hay “sự thức tỉnh chính trị”, những cuộc cách mạng này thường dựa vào việc khai thác mâu thuẫn xã hội để gây bạo loạn và lật đổ chính quyền hiện tại. Trong giai đoạn hiện nay, sự suy thoái kinh tế toàn cầu cùng những chuyển biến, bất ổn chính trị càng là “thời cơ vàng” cho những kẻ phản động lợi dụng thực hiện các mưu đồ đen tối.
Nhận diện bản chất, âm mưu, mục đích của "cách mạng màu"
Thuật ngữ "cách mạng màu" xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ XX và được bàn đến nhiều từ đầu thế kỷ XXI đến nay, bởi trong thực tế trên thế giới có biểu hiện ở một số quốc gia đã rơi vào khủng hoảng, bất ổn chính trị và bất ổn đời sống kéo dài. Nhiều quốc gia ở Đông Âu thuộc Liên Xô (cũ) hay ở các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và hệ quả của nó vẫn kéo dài đến tận bây giờ.
Có thể kể đến ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Philippines (năm 1983), Tiệp Khắc (năm 1989), Nam Tư (năm 2000), Grudia (năm 2003), Ukraina (năm 2004, 2014) Kyrgyzstan (năm 2005), Liban (năm 2005), Iran (năm 2009), Tunisia (năm 2010), Ai Cập (năm 2011),…; gần đây, là những diễn biến chính trị phức tạp tại Thái Lan, Mianma, Inđônêxia, Vênêxuêla... Với nhiều tên gọi khác nhau (cách mạng vàng, nhung, đường phố, cam, hoa hồng, hoa tulip, hoa nhài)… Dù với tên gọi nào thì bản chất của những cuộc “cách mạng màu” này đều là phản cách mạng.
Bản chất “cách mạng màu” là các cuộc lật đổ chế độ hiện tại bằng phương pháp bất bạo động giữa những kẻ ủ mưu bên trong với các thế lực thù địch bên ngoài. Những kẻ chủ mưu giương ngọn cờ dân chủ, lôi kéo người dân tham gia vào các cuộc biểu tình tuần hành khiến đời sống xã hội bị tê liệt, chính phủ dần mất kiểm soát xã hội. Khi những cuộc biểu tình tác động xấu đến đời sống xã hội và sự điều hành của chính phủ ở mức độ nào đó, sẽ xuất hiện các thế lực bên ngoài thông qua các tổ chức phi chính phủ, thậm chí chính phủ để can dự vào tình hình nội bộ của nước đó nhằm tìm mọi cách lật đổ chính quyền nhà nước đương nhiệm, đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập.
Mục đích của cuộc "cách mạng màu" là các thế lực bên ngoài đã lợi dụng nhằm câu kết với những đối tượng đối lập, “kẻ cơ hội chính trị” trong nước vạch kế hoạch, thực hiện đấu tranh, dưới chiêu bài hứa hẹn tạo ra chính phủ mới tốt đẹp hơn, ảo tưởng về một xã hội văn minh hơn, nhưng thực chất lại là sự bất ổn, bạo động và mất kiểm soát; đời sống người dân rơi vào tình thế ly tán, bạo loạn và chiến tranh...
Âm mưu thâm độc "cách mạng màu" là không tiến hành bằng vũ trang trực tiếp, mà thông qua những chiến lược tinh vi, thường được sử dụng hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng nhằm tạo tiền đề về tư tưởng, chính trị, xã hội cho một cuộc “cách mạng màu”. Các thế lực thù địch sử dụng hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng và các nền tảng xã hội mới như Facebook, Tiktok, Telegram… để kích động, chia rẽ nội bộ, truyền bá tư tưởng chính trị đối lập, hoạt động chống đối chính quyền nhằm tạo cơ sở cho việc tập hợp hình thành lực lượng chính trị đối lập; kích động các hoạt động biểu tình, gây rối an ninh, gây bạo loạn.
Trong đó, các thế lực thù địch tác động, gây dựng và hình thành nhân tố chống đối từ bên trong, thúc đẩy tự diễn biến bên trong nội bộ, hình thành môi trường đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; thông qua tài trợ, đào tạo nhóm hoạt động nhằm tạo mầm mống cho sự ra đời của các tổ chức chính trị đối lập… Từ đó tổ chức đào tạo, huấn luyện các đối tượng chống đối trong nước nhằm tạo ngọn cờ nòng cốt và tập dượt cho các kịch bản “cách mạng màu”. Từ những cuộc biểu tình hòa bình, chiến lược này chuyển hóa thành bạo loạn bằng các hành động khiêu khích, đẩy mâu thuẫn xã hội lên cao. Từ đó, khuyến khích nhóm chính trị đối lập hoặc những nhân vật trong chính quyền cơ hội, đang có mâu thuẫn nội bộ nhằm gây ra những bạo loạn, lật đổ chính quyền đương nhiệm.
Với những thủ đoạn chống phá tinh vi, diễn biến phức tạp, “cách mạng màu” như một ngọn lửa cháy âm ỉ trong đời sống chính trị - xã hội Việt Nam. Hiện “cách mạng màu” đang tiềm ẩn những nguy cơ vô cùng to lớn đối xã hội chủ nghĩa nước ta hiện nay. Âm mưu của chúng là tác động trực tiếp và gián tiếp đến các lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, văn hoá ở nước ta [1]...
Bản chất “cách mạng màu” lợi dụng mâu thuẫn xã hội gây bạo loạn, lật đổ chính quyền hiện tại
Nhìn lại lịch sử và thực tế đã minh chứng rõ nét nhất cái được cho gọi là “cách mạng màu” phải kể đến những “cơn giông bão chính trị” đã xảy ra ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Ukraina hơn 1 thập kỷ trước.
Nguồn ảnh: Báo Quân đội Nhân dân |
Trước khi “Mùa xuân Ả-Rập” xuất hiện tại các nước khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Libya từng là nước giàu nhất châu Phi với GDP bình quân đầu người năm 2010 là 12.000 USD; Tunisia từng là một trong những quốc gia phát triển thịnh vượng ở Bắc Phi, được xem là một điển hình kinh tế ở châu Phi; Ai Cập được lọt vào nhóm “Tám sư tử châu Phi”. Tuy nhiên, tất cả những thành tựu này đã bị kéo tụt khi “Mùa xuân Ả-Rập” quét qua vào năm 2010.
“Mùa xuân Ả-Rập” là kết quả của việc lợi dụng “cách mạng màu” gây ra và hệ lụy kinh khủng nhất từ “Mùa xuân Ả-Rập” là tạo ra cơ hội cho các tổ chức khủng bố ra đời như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Đơn cử như ở Syria, cuộc nội chiến kéo dài đã làm mất kiểm soát nhiều khu vực, giúp IS chiếm giữ lãnh thổ và thiết lập "Nhà nước Hồi giáo".
Không chỉ hoành hành ở Trung Đông - Bắc Phi, IS còn tổ chức thực hiện hoặc đứng sau nhiều vụ tấn công khủng bố toàn cầu. Vì thế, mà nhiều người đã đổi tên “Mùa xuân Ả-Rập” thành “Mùa đông Ả-Rập” hay "Mùa xuân hủy diệt". Tuy nhiên, không phải tất cả các cuộc cách mạng trong "Mùa xuân Ả-Rập" đều trực tiếp dẫn đến sự xuất hiện của IS, mà phần lớn là hậu quả của việc quản lý yếu kém và xung đột nội bộ kéo dài sau đó từ hệ lụy “cách mạng màu” gây ra.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu an ninh Liên minh châu Âu (IES) đưa ra tháng 5-2017 nhận xét: Bức tranh toàn cảnh của khu vực Trung Đông và Bắc Phi rất ảm đạm. Còn theo báo cáo của các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc, tổng thiệt hại về kinh tế của các nước Arab lên tới hơn 600 tỷ USD, bên cạnh hơn 22 triệu người thất nghiệp, tổn thất về cơ sở hạ tầng lên tới 461 tỷ USD, còn có 15 triệu người phải di tản và 1,3 triệu người chết và bị thương.
Trước "Mùa xuân Arab", Tunisia là nước có nền giáo dục đứng thứ 17, nền kinh tế có sức cạnh tranh đứng hàng 40 thế giới. Nhưng sau “cơn bão” biểu tình, thất nghiệp tăng lên hơn 40%. Ở Yemen, cuộc nội chiến “ủy nhiệm” giữa người Sunni và người Shia vẫn tiếp diễn mà chưa thấy hồi kết, đã khiến khoảng 250.000 người thiệt mạng, nhiều người chết đói [2].
Còn ở Ukraina khởi điểm từ “Cách mạng Cam” diễn ra vào năm 2004. Trước những cáo buộc về gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống, hàng trăm nghìn người ủng hộ ông Vikto Yushchenko đã dùng màu cam - biểu tượng tranh cử của ông - xuống đường phản đối kết quả bầu cử. Sau hai tuần tụ tập biểu tình tại Quảng trường Độc lập, những người ủng hộ ông Yushchenko đã buộc Tối cao pháp viện Ukraina hủy bỏ kết quả bầu cử và ra lệnh tổ chức một cuộc bầu cử mới. Và trong cuộc bầu cử đó, ông Vikto Yushchenko, một nhân vật thân phương Tây, đã đánh bại ông Viktor Yanukovych, ứng viên được Nga ủng hộ và là người được tuyên bố thắng cử trong cuộc bầu cử lần trước.
Thực chất, đó chỉ là cái cớ ngụy tạo, bởi các cuộc điều tra tư pháp sau đó không xác nhận bất kỳ trường hợp gian lận phiếu bầu. Tình hình ở Ukraina cho thấy mục đích của “Cách mạng Cam” là nỗ lực đầu tiên bứt Ukraina khỏi Nga. Chiến thắng của ông Yushchenko được coi là đã khởi xướng một cuộc cách mạng mới - hứa hẹn sẽ giúp Ukraina rũ bỏ những liên hệ và tiến hành những cải cách để bước vào một giai đoạn mới tự do, dân chủ, tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, “Cách mạng Cam” đã chia rẽ đất nước Ukraina một cách sâu sắc, Ukraine thực hiện chính sách “bài Nga, thân Mỹ”, theo đuổi mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thậm chí Kiev đưa mục tiêu trở thành thành viên NATO vào hiến pháp; đẩy nhanh thực hiện chiến dịch “phi Nga hóa”.
Chính những chính sách sai lầm này đã đẩy Ukraina rơi vào cuộc chiến với Nga từ năm 2022 đến nay. Theo ước tính mới nhất của Nga, hơn 380.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc xung đột. Ukraine cũng chịu tổn thất nặng nề về vật chất, với ước tính khoảng 14.000 xe tăng và các xe bọc thép khác bị phá hủy. Moskva cũng khẳng định, Ukraine đã tổn thất gần 160.000 binh sĩ trong cuộc phản công thất bại của Kiev, được phát động vào đầu tháng 6 năm ngoái.[3] ... Từ một con số có thể thấy, một trong những nước cộng hòa giàu có nhất Liên bang Xôviết trong quá khứ, sau khi “nhập khẩu” giá trị tự do phương Tây, Ukraina giờ đây rơi vào cảnh hỗn loạn, chia rẽ, chiến tranh, đời sống người dân cùng cực, ly tán.
Có thể thấy, “Mùa xuân Ả Rập” ở các nước khu vực Trung Đông - Bắc Phi và “cách mạng Cam” ở Ukraina chỉ là 2 trong số nhiều minh chứng tiêu biểu cho sự phản cách mạng với những hậu quả nặng nề của “cách mạng màu”. Những gì đã và đang diễn ra ở các nước bị “cách mạng màu” quét qua cho thấy bản chất nguy hiểm từ sự can dự của các thế lực bên ngoài vào tình hình nội bộ các nước nhằm tìm mọi cách thay thế chính quyền hiện tại và cũng không hề mang lại những điều tốt hơn cho cuộc sống của người dân, thay vào đó là sự bất ổn về chính trị, tụt hậu về kinh tế, đói nghèo ly tán, bạo lực và chiến tranh...
“Cách mạng màu” không chỉ đe dọa đến sự ổn định chính trị mà còn có thể kéo lùi quá trình phát triển của một quốc gia. Hiểu rõ về bản chất và cách phòng ngừa “cách mạng màu” là một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh biến động hiện nay.
ConversionConversion EmoticonEmoticon