Một trong những thách thức lớn trước nguy cơ “cách mạng màu”, các thế lực thù địch đang lợi dụng các vụ việc, điểm nóng, đặc biệt cố tình tạo điểm nóng, thổi phồng các mâu thuẫn, thực hiện "cách mạng màu"… để kích động, gây mất trật tự xã hội, gây bất ổn, xung đột nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.
Mục đích thủ đoạn lợi dụng điểm nóng hòng thực hiện “cách mạng màu” ở Việt Nam
Tại Việt Nam, những năm gần đây, các thế lực thù địch không ngừng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và internet để lan truyền các thông tin sai lệch, làm giảm lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước. Các vụ việc nhỏ lẻ liên quan đến bất cập trong quản lý kinh tế, môi trường hoặc các vụ việc xã hội nhạy cảm thường bị lợi dụng để thổi phồng và gây hoang mang dư luận, mục đích nhằm thực hiện âm mưu “cách mạng màu” và đã gây ra một số vụ việc phức tạp, gây rối an ninh trật tự.
Lợi dụng những vấn đề nóng trong xã hội liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, khiếu kiện đất đai, chủ quyền biển đảo, các vụ việc, sự kiện nóng, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc với các luận điệu như “chính quyền đàn áp nhân dân”, từ đó đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; từ đó kêu gọi tụ tập gây rối, biểu tình, đập phá trụ sở… Để đẩy các vụ việc, trở thành điểm nóng, phức tạp, từ ôn hòa sẽ được đẩy mức độ lên cao theo xu hướng trở thành bạo loạn, phá hoại sự ổn định phát triển đất nước và cuối cùng là chờ sự can thiệp của các tổ chức nước ngoài.
Hình ảnh: Các trang mạng của các tổ chức phản động, thế lực thù địch đưa tin xuyên tạc về phiên tòa xét xử vụ khủng bố ở Đắk Lắk - Ảnh: Công an Đắk Lắk |
Có thể thấy rõ, thời gian, địa điểm, lý do viện cớ để kích động có thể khác nhau nhưng rõ ràng kẻ đứng đằng sau những vụ gây rối đều chung một thủ đoạn là nhen nhóm lên những đốm lửa phá hoại, dùng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” qua những thủ đoạn này để chúng gieo rắc tâm trạng bất mãn, tiêu cực cho phần tử cơ hội chính trị, phản động và một số người dân có nhận thức thấp hoặc gây hoang mang, dao động để đến khi thích hợp sẽ tổ chức kích động, tiến hành bạo loạn. Đơn cử như:
Năm 2018, lợi dụng cái cớ là phản đối dự thảo luật đặc khu tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt tại tỉnh Bình Thuận đã xảy ra vụ việc các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã hô hào biểu tình với các tên gọi như: “Hoạt động phản đối Dự thảo Luật Đặc khu”, “thể hiện lòng yêu nước”… lôi kéo kích động người dân tụ tập đông người trái phép, gây rối an ninh, trật tự, chống người thi hành công vụ, cố ý huỷ hoại tài sản, đập phá trụ sở cơ quan công quyền.
Với những chiêu bài, hay luận điệu các thế lực, thù địch, cơ hội phản động gây ra nhằm mục đích tạo cơ hội đầu cơ chính trị cũng như tạo điều kiện cho các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng tình hình để thực hiện những mưu đồ “đục nước béo cò”, “cách mạng màu”, gây bất ổn về tình hình chính trị ở nước ta, hòng chống phá cách mạng Việt Nam.
Đối với vụ việc này, các thế lực thù địch không đơn thuần chỉ là lôi kéo, dụ dỗ, kích động một số người mà chúng còn dùng tiền để mua chuộc, dụ dỗ người tham gia, mỗi người được trả vài trăm nghìn đồng để tham gia biểu tình, hưởng ứng, thậm chí gây thương tích với lực lượng công an thì số tiền còn lớn hơn. Mục đích của thế lực thù địch là tài trợ kinh phí, hô hào người dân gây rối, biểu tình, xúi giục xuống đường thậm chí là bạo loạn chính trị, gây rối, hòng tạo ra những bất ổn xã hội tại các địa phương của Việt Nam.
Hay như vụ việc xảy ra, năm 2019, tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” có trụ sở tại Mỹ do Đào Minh Quân - quốc tịch Mỹ cầm đầu, chỉ huy đã lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin bằng cách tổ chức chiến dịch trưng cầu dân ý, “vẽ” ra nhiều dự án cùng những lời hứa hẹn sẽ cấp đất, xây nhà để đánh vào lòng tham của một số người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết. Chúng đã dựng lên các chiêu trò bịp bợm như: Hứa hẹn phong chức tước, bổ nhiệm cho các thành viên, đồng thời bịa đặt những thông tin, luận điệu xuyên tạc nhằm lừa phỉnh những người nhẹ dạ, nhất là những người có trình độ học vấn thấp hay những người bất mãn, tiêu cực… Chúng hứa hẹn cho những ai đăng ký nhận hỗ trợ sẽ phải tham gia “trưng cầu dân ý” thể hiện quan điểm chống đối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vì “miếng bánh vẽ không có thật” đã làm cho nhiều người nhận dính bẫy cứ chờ đợi trong hy vọng; tuy nhiên nhà, đất không thấy đâu, chỉ thấy vướng vào vòng lao lý.
Đáng chú ý, thời gian qua, lợi dụng quy định của pháp luật là Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu ráo riết tuyên truyền, lôi kéo công nhân, người lao động nhằm tập hợp, hình thành lực lượng chính trị đối lập dưới vỏ bọc các tổ chức “công đoàn độc lập” ở Việt Nam.
Có thể thấy rất rõ, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP hay IVFTA đặt ra những yêu cầu và những điều khoản trong quá trình hội nhập này, trong đó có việc là cho phép thành lập các tổ chức của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam. Lợi dụng quy định này, các thế lực thù địch đã tập hợp lực lượng, kích động biểu tình, đình công, đòi tự do, dân chủ. Bề ngoài, chúng tuyên bố “không làm chính trị” nhưng lại câu kết với các tổ chức chống phá Nhà nước Việt Nam như: Nghiệp đoàn FO, Lao động Việt, Nhóm bạn công nhân thuộc Việt Tân, Hội nhà báo độc lập... Còn cái gọi là “ công đoàn độc lập”, hay “Nghiệp đoàn độc lập” không hề và không thể đại diện cho quyền, lợi ích của công nhân, người lao động mà chỉ lợi dụng để thực hiện mưu đồ chính trị của các thế lực thù địch, phản động nhằm hình thành lực lượng chính trị đối lập trong nội địa, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, nhằm lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam.
Thế lực thù địch lợi dụng danh nghĩa bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền để kích động người dân tụ tập trái phép, đập phá trụ sở cơ quan công quyền (Nguồn ảnh: VTV). |
Vụ việc thế lực thù địch thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc là vụ khủng bố diễn ra vào rạng sáng 11/6/2023, khi một nhóm đối tượng trang bị vũ khí tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk khiến nhiều người dân thiệt mạng và bị thương. Sau khi vụ án xảy ra, trên nhiều kênh trang mạng cá nhân của các đối tượng thù địch, chống đối đã tung ra nhiều thông tin sai sự thật, các hình ảnh được dàn dựng, cắt ghép nhằm kích động tâm lý kỳ thị dân tộc, gây chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên… Mục đích của những việc làm này là chiêu bài của các các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị vẽ ra viễn cảnh tồi tệ, nguy hiểm ở trong nước nhằm xây dựng cho một cuộc “cách mạng màu” diễn ra ở Việt Nam.
Hay như trong sự việc gần đây, không bỏ lỡ “hiện tượng mạng” Thích Minh Tuệ, các thế lực thù địch đã không ngừng rêu rao những luận điệu xuyên tạc nhằm chống phá chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; kích động, chia rẽ các tôn giáo với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, khi ông Thích Minh Tuệ tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực, các tổ chức như Việt Tân, Đài Á Châu Tự do, Chân trời mới media, thoibao.de… xuyên tạc việc ông Thích Minh Tuệ dừng khất thực do bị “trấn áp”, xuyên tạc chính quyền đang “vùi dập một người chân tu chân chính”, “áp đặt người dân không được sống đúng với tín ngưỡng, tự do tôn giáo”. Từ đó, có thể thấy các thế lực thù địch xuyên tạc về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, cố tình thổi phồng, và đưa thông tin không đúng sự thật; qua đó gieo rắc hoài nghi, phân biệt giữa người tu trong các tổ chức tôn giáo, kêu gọi người dân lên tiếng phản đối chính quyền, cổ súy người dân tiếp tục xuống đường...
Và gần đây, lợi dụng thông tin chưa rõ ràng hình ảnh về biểu tình, bạo loạn tại Venezuela, Banglades…, các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối, các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng vụ việc trên để tiến hành các hoạt động xuyên tạc thông tin và hướng lái dư luận theo mục đích khác. Thông qua các hình thức bình luận, các thế lực thù địch lồng ghép các ý đồ xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo lịch sử, nhằm kích động, gây rối xã hội tại Việt Nam. Các trang như Việt Tân hay Chân trời mới Media thì tung hứng kiểu “Liệu Việt Nam có giống như Venezuela”; “chúc mừng người dân Bangladesh thay đổi chế độ độc tài, bao giờ tới Việt Nam”…
Từ vụ việc này cho thấy, các thế lực thù địch, phản động sẽ không từ mọi thủ đoạn để thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại nền tảng cách mạng, gây ra sự bất ổn chính trị, đồng thời tạo cớ để kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.
Tỉnh táo, cảnh giác trước thủ đoạn lợi dụng điểm nóng thực hiện “cách mạng màu” ở Việt Nam
Qua thực tiễn tình hình trong nước và từ các cuộc “cách mạng màu” diễn ra ở nhiều quốc gia, chúng ta có thể nhận thấy “không gian mạng” là một trong những phương tiện truyền thông quan trọng được các thế lực thù địch và các đối tượng chống đối triệt để lợi dụng nhằm tung tin xuyên tạc, kêu gọi, tổ chức tập hợp người dân…
Các thế lực thù địch thường sử dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin sai lệch, bóp méo sự thật về các vụ việc phức tạp, nhằm gây hoang mang dư luận. Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị tạo dựng hình ảnh về “sự bất công” hay “vi phạm quyền lợi của người dân” để thổi bùng sự bất mãn trong xã hội.
Lợi dụng những mâu thuẫn về đất đai, môi trường, hay chính sách xã hội, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị thường kích động người dân tham gia biểu tình, tụ tập đông người. Chúng cài cắm những đối tượng cực đoan, những phần tử phản động, cơ hội chính trị sẵn sàng tham gia gây rối, tạo hình ảnh hỗn loạn và kích động bạo lực. Do vậy, để ngăn chặn nguy cơ “cách mạng màu” ở Việt Nam, việc cần thiết tăng cường nguồn sức mạnh nội sinh - những yếu tố chủ quan làm thành trì vững chắc để đấu tranh với các yếu tố tác động bên ngoài.
Cần tỉnh táo, cảnh giác trước thủ đoạn lợi dụng điểm nóng thực hiện “cách mạng màu” ở Việt Nam - Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn. |
Trước hết, tập trung, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tăng cường, củng cố về lập trường, tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên, trí thức, nhân dân để kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, Đảng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; thường xuyên chăm lo cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; chú trọng xây dựng nâng cao hiệu quả “thế trận lòng dân”, gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng thời, tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước, nâng cao ý thức trách nhiệm xây dựng đất nước của từng người dân; tuyên truyền sâu rộng tính nhân văn, cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Góp phần làm thất bại trước thủ đoạn lợi dụng điểm nóng thực hiện “cách mạng màu” ở Việt Nam nhất thiết phải nâng cao nhận thức về mục tiêu, con đường, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cũng như ý chí, ý thức phấn đấu xây dựng Tổ quốc làm cho "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vì một nước Việt Nam độc lập và chủ nghĩa xã hội, phát triển hùng cường.
Cùng với đó, cấp ủy chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; phát huy vai trò nòng cốt của cấp ủy chính quyền các cấp, xác định rõ việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đấu tranh với biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” suy thoái trong nội bộ; tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đặc biệt, nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giúp người dân nhận biết thủ đoạn lợi dụng các vụ việc, điểm nóng mà các thế lực thù địch, lợi dụng để kích động. Cụ thể hơn là chủ động nắm bắt, phát hiện kịp thời những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch sử dụng chiêu bài "cách mạng màu" để chống phá cách mạng nước ta. Trong đó, cần thiết phải nhận diện và đưa ra âm mưu “cách mạng màu” từ những đặc điểm, ngôn từ, cách diễn đạt, nguồn địa chỉ thông tin, video, so sánh kiểm chứng đúng - sai, thật - giả trên các trang mạng khác nhau, xác định đường liên kết tên miền của Việt Nam hay nước ngoài… giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá chính xác được vấn đề, nhất là mạng xã hội mà các thế lực thù địch dùng làm phương tiện triển khai "cách mạng màu".
Chú trọng, quan tâm công tác tuyên truyền tới sinh viên, thanh niên, trí thức - đây là lực lượng nòng cốt đông đảo trong các cuộc biểu tình của “cách mạng màu” trên thế giới đã diễn ra. Vì vậy các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam… cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo để đoàn viên, thanh niên, sinh viên hiểu rõ âm mưu và bản chất của “Cách mạng màu”, tránh xa các tổ chức đội lốt xã hội dân sự, các phong trào mạo danh “yêu nước” nhưng thực chất là kêu gọi tụ tập, gây rối an ninh, trật tự. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên và học sinh bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, thông qua những việc làm thiết thực kết hợp với việc giáo dục của nhà trường, gia đình, xã hội, cần tạo điều kiện, cơ hội để họ tham gia các hoạt động vì xã hội, cộng đồng, khơi dậy tình yêu Tổ quốc, lòng biết ơn với thế hệ cha anh, lịch sử dân tộc.
Trước những tin đồn, thông tin không đúng sự thật, thông tin cắt ghép, không được kiểm chứng cần phải tỉnh táo, xác định rõ nguồn thông tin, không bị kích động, lôi kéo, dụ dỗ, không trở thành “anh hùng bàn phím” vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp kiểm soát thông tin sai lệch, đặc biệt chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính xác, về các vụ việc phức tạp hay điểm nóng mà các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tạo ra nhằm xóa bỏ nguy cơ lan truyền tin đồn thất thiệt.
Đồng thời, với những vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng cần xử lý nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả các vụ việc nhạy cảm, chủ động, tăng cường đối thoại với người dân để giải quyết mâu thuẫn ngay từ đầu. Chỉ đạo các bộ phận, cơ quan chức năng địa phương tìm hiểu giải quyết rõ những nội tình, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị cho người dân…
Các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác nắm tình hình trên không gian mạng, nâng cao năng lực dự báo về diễn biến của nguy cơ, điều kiện tiềm ẩn, âm ỉ có thể diễn ra “cách mạng màu” ở Việt Nam, kịp thời có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hoá âm mưu hoạt động chống Việt Nam của các thế lực, thù địch nước ngoài; đấu tranh ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề chính trị, xã hội phức tạp để kích động biểu tình; thường xuyên cung cấp thông tin về các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch bằng nhiều hình thức để giúp cho mọi người nâng cao kiến thức, đủ sức phân biệt đúng- sai, có thể "tự miễn dịch" trước các thông tin xấu độc, từ đó tự giác đấu tranh và tích cực vận động cộng đồng trên mạng tham gia phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Trong đó, cũng cần công khai, minh bạch, nhanh chóng, kịp thời thông tin những vụ việc phức tạp, để người dân được tiếp cận tình hình, không để các thế lực thù địch lợi dụng, bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận.
Việc nhận diện và ngăn chặn các thủ đoạn lợi dụng vụ việc, điểm nóng để kích động “cách mạng màu” không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn là sự tham gia của toàn xã hội. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng quốc tế, nhất là sự bùng nổ công nghệ thông tin toàn cầu hiện nay, việc một bộ phận người dân có nhận thức lệch lạc, chưa đúng đắn hoặc bị kẻ xấu lợi dụng vẫn còn diễn ra trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Vì vậy, cán bộ, đảng viên và mỗi người dân cần cảnh giác, tỉnh táo trước các hoạt động phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch, các đối tượng chống phá, nhất là các thông tin, bài viết, hình ảnh, video lồng ghép các nội dung xuyên tạc… Chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo, tiếp cận thông tin một cách có chọn lọc, tỉnh táo trước những thông tin phiến diện, một chiều, thông tin tiêu cực; nhận định thông tin theo chiều hướng tích cực nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để có ngăn chặn đẩy lùi âm mưu “diễn biến hòa bình” của thế lực phản động, tham gia góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa trong tình hình hiện nay.. Đồng thời, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, góp sức xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.
ConversionConversion EmoticonEmoticon