Chiều 31/12, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo công bố, cung cấp thông tin về 3 nghị định vừa được Chính phủ thông qua trong ngày.

Cụ thể gồm Nghị định số 179/2024 ngày 31/12 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Nghị định số 177/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Nghị định số 178/2024 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ảnh minh họa: S.Đ  

Về Nghị định số 178/2024, ông Nguyễn Quang Dũng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ cho biết, Nghị định có 8 chính sách:

Chính sách 1 đối với người nghỉ hưu trước tuổi: trường hợp có tuổi đời đủ 10 năm trở xuống so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường và đủ 5 năm trở xuống so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn và đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc để nghỉ hưu thì được hưởng 3 chế độ:

Thứ nhất, được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm. Trường hợp nghỉ trong thời hạn 12 tháng: Nếu có tuổi đời còn từ đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm. Nếu có tuổi đời còn từ đủ 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với 60 tháng. Trường hợp nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi thì được hưởng bằng 0,5 mức trợ cấp của trường hợp nghỉ trong 12 tháng nêu trên.

Thứ hai, được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi, gồm: Được hưởng lương hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu; được hưởng trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi (người còn từ đủ 2 năm đến dưới 5 năm đến tuổi nghỉ hưu thì được trợ cấp bằng 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ sớm; người còn từ đủ 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu thì được trợ cấp bằng 4 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu sớm); được hưởng trợ cấp theo thời gian công tác có trên 20 năm đóng BHXH bắt buộc.

Trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức không thuộc đối tượng xét khen thưởng quá trình cống hiến thì được cấp có thẩm quyền xem xét các hình thức khen thưởng phù hợp với thành tích đạt được.

Chính sách 2 về nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức có tuổi đời còn hơn 2 năm đến tuổi nghỉ hưu và không đủ điều kiện hưởng chính sách, chế độ nghỉ hưu trước tuổi, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng 4 chế độ:

- Được hưởng trợ cấp thôi việc: Nếu nghỉ trong thời hạn 12 tháng thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc. Nếu nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc (tối đa 60 tháng).

- Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng BHXH một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.

Chính sách 3 về nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động. Viên chức và người lao động nghỉ thôi việc được hưởng 4 chế độ như cán bộ, công chức nghỉ thôi việc, chỉ khác chế độ thứ 4 là viên chức và người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp do Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả do tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Chính sách 4 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ hoặc được bầu cử, bổ nhiệm vào chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn, theo ông Dũng, được bảo lưu mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm.

Chính sách 5 đối với người đi công tác ở cơ sở. Để tăng cường cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương, cấp tỉnh đi công tác ở cơ sở (thời gian 3 năm), nghị định quy định 5 chế độ: Được tiếp tục hưởng tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi; hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác.

Trường hợp đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng chính sách quy định tại Nghị định số 76/2019 của Chính phủ. Sau khi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ sở, được tiếp nhận trở lại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp không thấp hơn vị trí việc làm trước khi đi tăng cường; đồng thời, được nâng lương vượt một bậc và được Bộ, ban, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

Chính sách 6 về trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội gồm quy định về nâng lương vượt một bậc; được hưởng tiền thưởng do thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định trong tối đa 50% quỹ tiền thưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị; được quan tâm, ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp; hưởng chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Chính sách 7 quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức sau khi sắp xếp (Điều 14).

Chính sách 8 về chế độ đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy (Điều 15) như đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Đã thi hành kỷ luật 68 cán bộ diện Trung ương quản lý

Chiều 31/12, thông báo về kết quả Phiên họp 27 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đại diện Ban Nội Chính Trung ương cho biết, trong năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 709 tổ chức đảng và 24.097 đảng viên vi phạm.

 Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 68 cán bộ diện Trung ương quản lý. Trong đó, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật 2 nguyên là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước do vi phạm quy định trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trong phòng chống tham nhũng tiêu cực, vi phạm những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương.

Bên cạnh đó, ngành Thanh tra, Kiểm toán cũng đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 104.042 tỷ đồng và 40ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.065 tập thể và 7.836 cá nhân.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 8 vụ án/29 bị can, khởi tố thêm 174 bị can trong 13 vụ án; kết thúc điều tra 13 vụ án/449 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 6 vụ án/32 bị can; truy tố 12 vụ án/440 bị can; xét xử sơ thẩm 14 vụ án/536 bị cáo, xét xử phúc thẩm 16 vụ án/118 bị cáo.

Các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố mới 4.732 vụ án/10.430 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó, khởi tố mới 906 vụ án/2.068 bị can về các tội tham nhũng.

Trong năm 2024 đã chuyển 344 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt nhiều kết quả; riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 19.000 tỷ đồng.

Tai nạn lao động làm 5 người thương vong tại Thủy điện Đăk Mi 1

Khoảng 3h ngày 31/12, trong quá trình tiến hành đổ bê tông hạng mục đập tràn tại công trình Thủy điện Đăk Mi 1 thuộc xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei, Kon Tum), công trình xảy ra sự cố khiến 4 công nhân bị rơi xuống hố nước sâu ở khu vực thượng lưu đập và 1 công nhân ở phía dưới bị đá văng vào người.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, đơn vị thi công đã bố trí người lặn xuống tìm kiếm, tuy nhiên do mực nước sâu khoảng 5m và thời tiết quá lạnh nên công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Đến hơn 10h cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể 3 công nhân gặp nạn.

 Công trình thuỷ điện Đăk Mi 1 nơi tai nạn xảy ra khiến 3 người chết, 2 người mất tích. Ảnh: Vietnamnet 

Hiện đơn vị thi công và các lực lượng chức năng đang tiến hành mở đường, đưa máy bơm vào hút nước dưới hồ thượng nguồn để tìm kiếm 2 công nhân còn lại.

Danh tính các công nhân gặp nạn được xác định gồm: Hà Văn Sơn (30 tuổi); Kha Văn Kháy (26 tuổi), Ngân Văn Long (32 tuổi), Lương Văn Hùng (20 tuổi, đều quê ở Nghệ An), là công nhân thuộc Công ty Dũng Phúc Lộc, địa chỉ tại Nghệ An.

Nạn nhân còn lại là A Tuất (24 tuổi, trú thôn Đăk Lây, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei), là công nhân thuộc Công ty Nguyên Dược.

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các lực lượng chức năng phối hợp, khẩn trương tổ chức tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân. Đồng thời điều tra cụ thể nguyên nhân vụ tai nạn và báo cáo kết quả trước ngày 3/1.

Được biết, Thủy điện Đăk Mi 1 có công suất 84 MW nằm trên địa bàn xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng.

Tòa án Hàn Quốc phê chuẩn lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk-yeol

Tòa án Hàn Quốc đã chấp thuận lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk-yeol theo đề xuất của nhóm điều tra chung về vụ thiết quân luật.

Theo Yonhap, trong sáng ngày 31/12, Tòa án quận Tây Seoul đã phê chuẩn lệnh bắt giữ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol theo yêu cầu của nhóm điều tra chung, sau khi ông Yoon 3 lần không ra trình diện theo yêu cầu của Văn phòng điều tra tham nhũng các quan chức cấp cao (CIO).

"Dựa theo yêu cầu của nhóm điều tra liên ngành, lệnh bắt giữ và khám xét với Tổng thống Yoon đã được ban bố", đại diện CIO cho biết.

Truyền thông địa phương nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiến pháp Hàn Quốc mà lệnh bắt giữ được ban hành đối với một Tổng thống đương nhiệm.

 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: Yonhap 

Theo lệnh của tòa án, CIO có 48h để tiến hành bắt giữ Tổng thống Yoon nhằm thẩm vấn về việc ban bố thiết quân luật. Tuy vậy, vẫn chưa rõ liệu CIO có thể thực hiện lệnh bắt giữ hay không, bởi Cơ quan An ninh Tổng thống đã chặn các điều tra viên vào khu phức hợp Văn phòng Tổng thống, lẫn nơi ở chính thức của ông Yoon với lý do lo ngại về an ninh quân sự.

Người đứng đầu CIO Oh Dong-woon nói rằng lệnh bắt giữ hoặc tạm giam của tòa án không thể bị cản trở về mặt pháp lý, ngay cả với Tổng thống đương nhiệm.

Về phía Tổng thống Hàn Quốc, ông Yoon và đội ngũ pháp lý tiếp tục bác bỏ các cáo buộc nổi loạn do phe đối lập đưa ra, khẳng định việc ban bố thiết quân luật là phù hợp với quyền hành pháp của Tổng thống, đống thời cho rằng đảng Dân chủ đối lập đang lạm dụng việc luận tội./.